6 quy định mới từ 0 giờ 23/8/2021 người dân TP.HCM cần biết

Tại Công văn 2789/BCĐ-VX, từ 0 giờ ngày 23/8/2021 đến hết 06/9/2021, TP. HCM sẽ siết chặt các quy định giãn cách trên địa bàn Thành phố. Dưới đây là những quy định mới nhất người dân cần phải biết.


1/ Thực hiện nghiêm nhà cách ly với nhà

Đây là một trong những biện pháp hàng đầu để thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội trên toàn Thành phố. Theo đó, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn trong đó tập trung tại vùng cam (vùng có nguy cơ cao) và vùng đỏ (vùng có nguy cơ rất cao).

Hoạt động của Tổ này là kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội…

Đặc biệt, tại Kế hoạch 2798/KH-UBND, UBND TP. HCM nêu rõ:

Người dân trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp


2/ Người dân không được tự đi mua lương thực, thực phẩm

Một trong những biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan là hạn chế người dân ra ngoài đường, trong đó có việc đi chợ.

Theo Công văn số 2789/BCĐ-VX, Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn sẽ đi chợ thay cho người dân tại vùng cam và vùng đỏ. Người dân tại vùng xanh sẽ được bố trí đi chợ 01/tuần.

Tuy nhiên, tại Công văn 2800/UBND-VX được ban hành ngày 21/8/2021, đối tượng người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn đã bị loại khỏi danh sách những đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thay vào đó, chỉ có đối tượng người đi chợ thay được phép ra đường. Như vậy, từ 23/8/2021, người dân sẽ không được ra khỏi nhà để đi chợ mà lương thực, thực phẩm sẽ do người đi chợ thay thực hiện.

Các hệ thống siêu thị như Coop, BigC, Lotte, Vinmart… ưu tiên bán hàng trực tuyến, đăng ký trước và bán theo giỏ hàng (combo); có phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời để cung ứng cho người dân.


Người dân TP.HCM cần biết gì từ 0 giờ ngày 23/8/2021? (Ảnh minh họa)


3/ 17 nhóm đối tượng được phép ra đường

Tại Công văn 2800/UBND-VX, UBND TP. HCM đã điều chỉnh, bổ sung các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, có thể kể đến:

- Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc. Theo Công văn khẩn số 3511/SNV-CCHC, công chức phải đeo thẻ, mặc đồng phục…

- Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 01 quận/huyện từ 06 - 18 giờ.

- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…); của Thành Đoàn, Liên hiệp Phụ nữ Thành phố…

Xem thêm…

Trong đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai phương án 03 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, yêu cầu tối đa ¼ tổng số người lao động phải có mặt tại cơ quan trước 0 giờ ngày 23/8/2021. Đặc biệt, những người được ra đường bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện.

4/ Shipper tạm dừng tại một số quận, huyện, không chạy liên quận

Nội dung này được nêu tại Công văn khẩn 2796/UBND-VX. Cụ thể, shipper tại TP. Thủ Đức và Quận 08, Quận 12, Quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn sẽ tạm ngừng hoạt động.

Các quận còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và phải có dấu hiệu riêng.

5/ Xét nghiệm toàn Thành phố trong thời gian giãn cách

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung này tại Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, phải thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, đặc biệt tại TP.HCM, phải xét nghiệm toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

Đồng thời, tại Chỉ thị 11 của UBND TP. HCM ngày 22/8/2021, UBND TP. HCM cũng đưa ra các biện pháp để kiểm soát và khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong trong đó có nêu:

Thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0 kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh

Trong đó, bổ sung xét nghiệm thêm cho các đối tượng là nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu 07 ngày/lần theo quy định tại Công văn  2789/BCĐ-VX.


Người dân toàn TP. HCM sẽ được xét nghiệm từ 23/8/2021 (Ảnh minh họa)


6/ Thành lập 400 trạm y tế lưu động

Đây là nội dung được nêu tại Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND TP. HCM về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động gồm 01 bác sĩ, 02 y tá, điều dưỡng, 04 tình nguyện viên (Thanh niên xung phong, Thành đoàn) tại các khu vực có nhiều F0 (theo Công văn 2789/BCĐ-VX).

Các trạm y tế lưu động này trang bị đầy đủ các túi thuốc, 03-05 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh và chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà; thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 4042/QĐ-BYT:

- Tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 cho người dân.

- Khám, điều trị các bệnh thông thường, bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn mà không thể chuyển lên tuyến trên và hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân mắc các bệnh mạn tính.

- Sơ cấp cứu và chuyển tuyến cho các bệnh thông thường.

Trong đó, tùy theo điều kiện của địa bàn mà chọn một cơ sở phù hợp cho trạm y tế lưu động làm việc: Có thể chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao… Nếu không chọn được các địa điểm có sẵn thì có thể xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động.

Trên đây là giải đáp về vấn đề người dân TP.HCM cần biết gì từ 0 giờ ngày 23/8/2021? Nếu còn thắc mắc vấn đề gì, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(6 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục