Nghị quyết 27-NQ/TW: 3 thay đổi về tiền lương ở doanh nghiệp

Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng không chỉ đề ra những cải cách đối với tiền lương của cán bộ, công chức, mà còn đề cập đến một số thay đổi về tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp.

Thang, bảng lương do doanh nghiệp tự quyết định

Tại Nghị quyết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định Nhà nước không can thiệp vào tiền lương của doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương, trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động. Hiện tại, thang lương, bảng lương của doanh nghiệp đang được quy định tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

Ràng buộc duy nhất của Nhà nước đối với tiền lương của doanh nghiệp là mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố  và trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.


Sẽ 3 thay đổi về tiền lương ở doanh nghiệp, theo Nghị quyết 27 (Ảnh minh họa)

Tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng định kỳ

Tiền lương tối thiểu vùng hiện nay đang được quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP, theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, mức tiền lương tối thiểu vùng sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Từ năm 2021, Nhà nước vẫn định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Cơ quan thống kê của Nhà nước sẽ công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu vùng.

Bổ sung lương tối thiểu vùng theo giờ

Thay vì chỉ có lương tối thiểu vùng theo tháng như hiện nay, Nghị quyết 27 cho thấy quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ được bổ sung, nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng việc bổ sung lương tối thiểu vùng theo giờ là cần thiết bởi hiện tại, lương tối thiểu vùng theo tháng mới chỉ bảo vệ được người lao động ký hợp đồng lao động chính thức; trong khi đó còn rất nhiều người lao động lao động làm việc partime, lao động tự do, lao động làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình… không thuộc đối tượng được áp dụng.

Cách tính lương tối thiểu vùng theo giờ có thể sẽ thực hiện bằng cách chia mức lương tối thiểu theo tháng cho số giờ làm việc thông thường hợp pháp trong một tháng.

Lương tối thiểu vùng theo giờ hiện được coi là xu hướng áp dụng trong quan hệ lao động và đã được thực hiện ở rất nhiều quốc gia.

Xem toàn bộ điểm mới của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương tại đây.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục