Nghỉ làm không phép mấy ngày bị sa thải?

Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất áp dụng đối với người lao động vi phạm nội quy công ty. Vậy theo quy định hiện hành, trường hợp nghỉ làm không phép có đến mức bị sa thải không?


1. Nghỉ làm không phép bị xử lý như thế nào?

Để quản lý và điều hành người lao động làm việc một cách có kỷ luật và hiệu quả, doanh nghiệp sẽ ban hành nội quy lao động, trong đó quy định cụ thể những vấn đề mà người lao động phải tuần thủ như thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất kinh doanh.

Theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019, nội quy lao động phải nêu rõ các hành vi bị coi là vi phạm kỷ luật lao động và các hình thức xử lý kỷ luật tương ứng.

Để đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, các công ty thường quy định cụ thể quy trình xin nghỉ phép của người lao động. Nếu không thực hiện đúng, người lao động sẽ bị coi là vi phạm nội quy lao động.

Lúc này, căn cứ vào nội quy công ty và mức độ vi phạm mà người lao động có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong 04 hình thức sau:

(1) Khiển trách.

(2) Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

(3) Cách chức.

(4) Sa thải. 


2. Nghỉ làm không phép mấy ngày thì bị sa thải?

Việc xử lý sa thải người lao động trong trường hợp người đó nghỉ làm không phép được quy định rõ tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Với quy định trên, trường hợp tự ý nghỉ làm không phép mà không có lý do chính đáng thì người lao động sẽ bị người sử dụng lao động sa thải nếu:

- Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời gian 30 ngày.

- Tự ý bỏ việc 20 ngày cộng dồn trong thời gian 365 ngày.

Lúc này, để sa thải người lao động nghỉ làm không phép, người sử dụng lao động phải mở cuộc họp xử lý kỷ luật. Cuộc họp này phải được thông báo trước cho những người liên quan và được tiến hành khi có đủ các thành phần tham dự theo quy định.

Trường hợp không tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động mà ra luôn quyết định sa thải đối với nhân viên nghỉ làm không phép, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt về hành vi xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự, thủ tục với mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng (theo điểm đ khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).


3. Nghỉ làm không phép với lý do nào thì không bị sa thải?

Cũng theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ làm không phép mà không có lý do chính đáng thì mới có nguy cơ bị xử lý kỷ luật sa thải. Ngược lại, nếu nghỉ làm không phép mà có lý do chính đáng thì người lao động không  thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải.

Lý do chính đáng được Bộ luật Lao động năm 2019 đề cập bao gồm:

- Thiên tai, hỏa hoạn.

- Bản thân, thân nhân người lao động bị ốm, đồng thời có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

- Các lý do khác được quy định rõ trong nội quy lao động.

Nếu biết người lao động có các lý do nói trên mà vẫn tổ chức xử lý kỷ luật sa thải người đó thì người sử dụng lao động sẽ bị coi là thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019, ngoài việc phải nhận người lao động trở lại làm việc, doanh nghiệp còn phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người đó không được làm việc và bồi thường thêm ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Do đó để đòi lại quyền lợi chính đáng khi bị người sử dụng lao động sa thải không đúng quy định, người lao động có thể thực hiện khởi kiện trực tiếp tại Tòa án nhân nhân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở (theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019) hoặc tố cáo vi phạm của doanh nghiệp đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở (theo Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

Trên đây là giải đáp thắc mắc cho câu hỏi: “Nghỉ làm không phép mấy ngày bị sa thải?” Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục