7 nội dung quan trọng về lựa chọn nhà thầu tại Nghị định 63

Ngày 26/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu chính thức có hiệu lực từ 15/08/2014, thay thế cho Nghị định 85/2009 trước đó.

Căn cứ:

Luật Đấu thầu năm 2013

Nghị định 63/2014/NĐ-CP: Gọi tắt là Nghị định số 63

Nghị định 85/2009/NĐ-CP: Gọi tắt là Nghị định 85

1/ Ưu tiên chọn nhà thầu đề xuất sử dụng nhiều lao động địa phương

Để dễ dàng, thuận tiện thực hiện ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Nghị định số 63 đã bổ sung quy định hoàn toàn mới về các nguyên tắc xác định ưu đãi so với trước đây. Cụ thể, gồm 03 nguyên tắc sau:

-  Sau khi tính ưu đãi, nếu các hồ sơ dự thầu, đề xuất xếp hạng ngang nhau thì ưu tiên chọn nhà thầu có đề xuất chi phí trong nước cao hơn hoặc sử dụng nhiều lao động địa phương hơn. Tiêu chí này tính trên giá trị tiền lương, tiền công chi trả;

- Nếu nhà thầu là người được hưởng nhiều ưu đãi thì chỉ được hưởng loại ưu đãi cao nhất theo quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ vào tất cả đề xuất của nhà thầu trong tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây dựng. Trong đó, nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.

Đặc biệt: Với gói thầu xây lắp có giá không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ hoặc siêu nhỏ tham gia và ưu tiên xếp hạng cao hơn cho nhà thầu ở nơi triển khai gói thầu nếu có nhiều hồ sơ xếp hạng ngang nhau.

2/ Báo đấu thầu không cần phải phát hành hằng ngày

Điều 8 Luật Đấu thầu nêu rõ các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, thông tin mời chào hàng, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhàu thầu, mở thầu… đều phải được đăng tải lên Báo đấu thầu.

Trước đây, tại Nghị định 85, báo đấu thầu phải được phát hàng ngày, cung cấp thông tin về đấu thầu. Tuy nhiên, đến Nghị định 63 năm 2014, quy định này đã không còn được đề cập đến.

Theo đó, việc cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu được quy định tại Điều 7 Nghị định 63 này như sau:

- Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển và thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu phải cung cấp cho Báo đấu thầu trong thời hạn tối thiểu là 05 ngày trước ngày dự kiến phát hành và sẽ được đăng tải 01 kỳ trên Báo đấu thầu;

- Trong thời hạn 02 ngày kể từ khi các tổ chức tự đăng tải thông tin mời quan tâm, mời sơ tuyển, mời chào hàng, mời thầu; Thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu… thì Báo đấu thầu có trách nhiệm đăng tải 01 kỳ…

báo đấu thầu không phải phát hành hàng ngày
Báo đấu thầu không phải phát hành hàng ngày (Ảnh minh họa)

3/ Tăng giá bán hồ sơ mời thầu lên đến 2 triệu đồng

Trước đây tại Điều 6 Nghị định 85, mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu có bao gồm cả thuế do chủ đầu tư quyết định căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng với đấu thầu trong nước hoặc theo thông lệ đấu thầu quốc tế.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 63 thì chủ đầu tư có thể quyết định mức giá bán 01 bộ hồ sơ mời thầu, yêu cầu (gồm cả thuế) với:

- Hồ sơ đấu thầu trong nước: Tối đa là 02 triệu đồng với hồ sơ mời thầu; 01 triệu đồng với hồ sơ yêu cầu;

- Hồ sơ đấu thầu quốc tế: Vẫn giữ nguyên theo mức giá bán của thông lệ đấu thầu quốc tế.

Như vậy, so với các quy định trước đây, giá bán một bộ hồ sơ mời thầu đã tăng gấp đôi, lên 02 triệu đồng và bổ sung thêm giá bán hồ sơ yêu cầu để phù hợp với quy định tại Luật Đấu thầu mới nhất.

4/ Giảm hạn mức chỉ định thầu với nhiều gói thầu

Mặc dù tăng giá bán một hồ sơ mời thầu nhưng so với trước đây, Nghị định 63 đã giảm hạn mức chỉ định thầu với gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công:

- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công: Không quá 500 triệu đồng (trước đây gói thầu dịch vụ tư vấn có giá không quá 03 tỷ đồng);

- Gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công: Không quá 01 tỷ đồng (trước đây gói thầu mua sắm hàng hóa có giá không quá 02 tỷ đồng);

- Gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên: Giữ nguyên hạn mức không quá 100 triệu đồng.

điểm mới của Nghị định 63
Nghị định 63 có nhiều điểm mới so với trước đây (Ảnh minh họa)

5/ 2 trường hợp hợp đồng được thanh lý

Đây tiếp tục là một trong những nội dung mới nhằm phù hợp với các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013. Theo đó, quy định về việc thanh lý hợp đồng được nêu tại Điều 99 Nghị định 63 với 02 trường hợp:

- Các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký;

- Hợp đồng bị chấm dứt (hủy bỏ) theo quy định của pháp luật.

Trong đó, việc thanh lý hợp đồng phải được hoàn tất bằng biên bản thống nhất được ký giữa hai bên. Biên bản này có thể đươc lập riêng hoặc như 01 phần của biên bản nghiệm thu đợt cuối cùng hoặc biên bản thống nhất chấm dứt hợp đồng.

Lúc này, hợp đồng sẽ được coi là đã thanh lý trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày các bên tham gia hợp đồng hoàn thành trách nhiệm trong biên bản thanh lý.

Với các trường hợp phức tạp hoặc có quy mô lớn thì thời hạn thanh lý hợp đồng được kéo dài đến 90 ngày.

Như vậy, có thể thấy, việc ký kết hợp đồng trong lĩnh vực đầu thầu về bản chất vẫn được coi là hợp đồng dân sự, là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, việc bổ sung thêm quy định này là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.

6/ 3 hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu

Nghị định số 63 đã quy hoạch lại và quy định chi tiết 04 biện pháp xử lý vi phạm trong đấu thầu gồm:

- Cảnh cáo, phạt tiền: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP;

- Cấm tham gia hoạt động đấu thầu: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu…

- Truy cứu trách nhiệm hình sự: Cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015;

Đặc biệt: Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

xử lý trong lĩnh vực đấu thấu
Vi phạm về đấu thầu có thể bị phạt tù đến 20 năm (Ảnh minh họa)

7/ Lựa chọn nhà thầu qua mạng được miễn phí hồ sơ mời thầu

Với các gói thầu tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và hỗn hợp thì có thể lựa chọn nhà thầu qua mạng. Lúc này, bên mời thầu và nhà thầu phải thực hiện đăng ký 01 lần trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Đặc biệt: Bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm, mời sơ tuyển, mời thầu và hồ sơ yêu cầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, quy trình lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện theo các bước:

- Bước 1: Đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tự đăng tải thông báo và phát hành miễn phí hồ sơ mời sơ tuyển, mời quan tâm, mời thầu, mời chào hàng;

- Bước 2: Nộp hồ sơ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

- Bước 3: Mở và giải mã hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất ngay sau thời điểm đóng thầu;

- Bước 4: Sau khi đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, bên mời thầu nhập kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Kết quả này được đăng tải công khai sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Ngoài ra, bên mời thầu còn có thể xem hướng dẫn chi tiết về việc lựa chọn nhà thầu qua mạng tại Chương I Thông tư liên tịch số 07/TTLT-BKHĐT-BTC.

Trên đây là tổng hợp 07 điểm mới của Nghị định 63 hướng dẫn Luật Đấu thầu so với Nghị định 85 trước đây.

>> Luật Đấu thầu: 09 điểm nổi bật nhất

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục