Nghị định 59/2015: 6 điểm nổi bật về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Hoạt động quản lý đầu tư xây dựng ngày càng trở nên phức tạp đòi hỏi phải có sự phát triển chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước. Cũng bởi lẽ đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình với 6 điểm nổi bật dưới đây.

1. Quản lý dự án đầu tư xây dựng là gì?

Quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng (khoản 1 Điều 1 Nghị định 59/2015 quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình).

Theo đó, có thể hiểu đơn giản, quản lý dự án đầu tư xây dựng là quá trình lập kế hoạch, theo dõi và kiểm soát tất cả những vấn đề của một dự án đồng thời điều hành mọi thành phần tham gia vào dự án đó để đạt được mục tiêu của dự án đúng thời hạn trong phạm vi ngân sách.

Nghị định 59/2015: 6 điểm nổi bật về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Nghị định 59/2015: 6 điểm nổi bật về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ảnh minh họa)

2. Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng gồm quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; quản lý rủi ro…

Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoặc giao Ban quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án, tổng thầu (nếu có) thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung quản lý dự án (Điều 66 Luật Xây dựng 2014).

3. Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng

hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng

Hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng do chủ đầu tư quyết định (Ảnh minh họa)


Người quyết định đầu tư sẽ quyết định áp dụng hình thức tổ chức quản lý dự án căn cứ vào quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện để lựa chọn áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý sau theo Điều 16 Nghị định 59/2015 và Điều 62 Luật Xây dựng:

1- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Trường hợp nếu người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng để đầu tư xây dựng công trình là chủ đầu tư dự án thì người quyết định đầu tư giao chủ đầu tư có trách nhiệm ký hợp đồng thuê Ban quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban quản lý dự án khu vực.

2- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án áp dụng đối với dự án sử dụng vốn nhà nước quy mô nhóm A có công trình cấp đặc biệt; có áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản; dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật Nhà nước;

3- Thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ;

4- Theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

5- Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với dự án PPP;

6- Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện năng lực để quản lý thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ, dự án có sự tham gia của cộng đồng.

4. Các giai đoạn quản lý dự án đầu tư xây dựng

Các giai đoạn quản lý dự án tương ứng với các giai đoạn của một vòng đời dự án (Điều 6 Nghị định 59/2015). Cụ thể như sau:

- Quản lý dự án ở giai đoạn hình thành và phát triển:

  • Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có);
  • Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng;
  • Đánh giá hiệu quả dự án và xác định tổng mức đầu tư;
  • Xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng;
  • Xây dựng và biên soạn toàn bộ công việc của công tác quản lý dự án xây dựng theo từng giai đoạn của quản lý đầu tư xây dựng công trình.

- Quản lý dự án ở giai đoạn thi công xây dựng:

  • Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có);
  • Khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng);
  • Tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng;
  • Thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng;
  • Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành;
  • Nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng;
  • Vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác.

- Quản lý giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm:

  • Nghiệm thu bàn giao công trình;
  • Quyết toán hợp đồng xây dựng;
  • Bảo hành, bảo trì và bảo hiểm công trình.

5. 2 loại dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật

loại dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật

2 loại dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (Ảnh minh họa)

Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp theo khoản 2 Điều 5 Nghi định 59/2015 thì chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:

- Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;

- Công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).

Theo đó, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được thực hiện như sau:

- Đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

+ Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng có công trình cấp I trở lên do các cơ quan ở trung ương quyết định đầu tư;

+ Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định đối với Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư…;

- Đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách:

+ Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định đối với thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (trừ phần thiết kế công nghệ) của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng có công trình cấp I trở lên do các cơ quan ở trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư;

+ Sở quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm đối với thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư…

6. Chứng chỉ hành nghề xây dựng có thời hạn tối đa 5 năm

Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập.

Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu:

- Hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng thì được công nhân hành nghề.

- Trường hợp hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.

Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập, không được đảm nhận chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.

Đặc biệt, chứng chỉ hành nghề có hiệu lực tối đa 05 năm, riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú nhưng không quá 05 năm (khoản 4 Điều 44 Nghị định 59/2015 sửa đổi tại Nghị định 100/2018).

>> Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xây nhà ở

Hậu Nguyễn

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục