Nghị định 46/2015: 7 điểm nổi bật trong quản lý, bảo trì công trình

Nghị định 46/2015/NĐ-CP là một trong những văn bản được quan tâm nhiều trong lĩnh vực xây dựng. Bởi chất lượng công trình không chỉ liên quan trực tiếp đến tính mạng con người mà còn là yếu tố đánh giá tính hiệu quả của dự án.

1. Làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu

Phân định rõ trách nhiệm của mỗi chủ thể tham gia hoạt động xây dựng là yếu tố cơ bản góp phần đảm bảo chất lượng công trình. Chính vì vậy, Điều 4 Nghị định 46/2015/NĐ-CP đã quy định:

- Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án và hình thức giao thầu cũng như quy mô, nguồn vốn đầu tư trong quá trình đầu tư.

- Nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực, có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc do mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Bên cạnh đó, các nhà thầu khác như nhà thầu cung ứng sản phẩm, vật liệu xây dựng; nhà thầu thi công xây dựng công trình; giám sát thi công… đều phải có trách nhiệm trong phạm vi công việc của mình.

Ngoài ra, công trình xây dựng luôn phải được kiểm soát từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị, công trình và các công trình lân cận.

Đồng thời, hạng mục công trình, công trình hoàn thành chỉ đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật…

Nghị định 46/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình

Nghị định 46/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình (Ảnh minh họa)

2. Hướng dẫn chi tiết trình tự quản lý chất lượng thi công

Quy trình này được quy định tại Điều 23 của Nghị định như sau:

Chất lượng thi công xây dựng công trình phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo sản phẩm, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị sử dụng trong công trình cho tới công đoạn thi công, chạy thử và nghiệm thu đưa công trình (hạng mục công trình) vào sử dụng. Cụ thể:

(1) Quản lý chất lượng đối với vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình;

(2) Quản lý chất lượng của nhà thầu;

(3) Giám sát thi công của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng;

(4) Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế;

(5) Thí nghiệm đối chứng, thí nghiệm thử tải và kiểm định xây dựng;

(6) Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng (nếu có);

(7) Nghiệm thu công trình (hạng mục công trình) hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng;

(8) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

(9) Lập hồ sơ hoàn thành công trình, lưu trữ hồ sơ và bàn giao công trình.

3. Đơn giản thủ tục nghiệm thu công trình

Hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, Điều 27 Nghị định 46 cho phép người giám sát thi công và người phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp của nhà thầu được thể hiện kết quả nghiệm thu một hoặc nhiều công việc xây dựng của một hạng mục trên cùng một biên bản, loại bỏ biên bản nghiệm thu nội bộ của nhà thầu như trước đây.

Tương tự, với công tác nghiệm thu giai đoạn thi công hoặc bộ phận công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công có thể thỏa thuận về việc nghiệm thu khi kết thúc một giai đoạn hoặc một bộ phận công trình cần kiểm tra, nghiệm thu để đánh giá chất lượng trước khi chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo hoặc khi kết thúc một gói thầu xây dựng.

Để đảm bảo chất lượng công trình, chủ đầu tư có thể tổ chức nghiệm thu từng phần công trình hoặc nghiệm thu có điều kiện để đưa vào sử dụng trong trường hợp còn một số tồn tại về chất lượng nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình.

Lưu ý, chủ đầu tư tiếp tục tổ chức nghiệm thu cho đến khi khắc phục hết những tồn tại trước đó hoặc các công việc xây dựng còn lại được hoàn thành.

Thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng theo Nghị định 46

Thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng theo Nghị định 46 (Ảnh minh họa)

4. Có thể lập hồ sơ hoàn thành công trình chung cho cả dự án

Điều 33 Nghị đình này nêu rõ, hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng phải được chủ đầu tư lập đầy đủ trước khi đưa công trình (hạng mục công trình) vào khai thác, vận hành và đảm bảo 03 thành phần:

- Hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng và hợp đồng;

- Hồ sơ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình;

- Hồ sơ quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình.

Tải bộ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng chi tiết nhất tại đây.

Hồ sơ này được lập một lần chung cho toàn bộ dự án nếu các công trình (hạng mục công trình) thuộc dự án đưa vào khai thác, sử dụng cùng thời điểm. Trường hợp các công trình (hạng mục công trình) đưa vào khai thác, sử dụng ở các thời điểm khác nhau thì có thể lập hồ sơ riêng cho từng công trình (hạng mục công trình).

5. Quy trình bảo trì công trình phải đảm bảo 10 nội dung cơ bản

Khoản 1 Điều 38 Nghị định này liệt kê những nội dung chính của quy trình bảo trì công trình xây dựng bao gồm:

(1) Các thông số kỹ thuật, công nghệ của công trình, bộ phận công trình và thiết bị công trình;

(2) Đối tượng, phương pháp và tần suất kiểm tra công trình;

(3) Nội dung và chỉ dẫn thực hiện bảo dưỡng công trình phù hợp với từng bộ phận công trình, loại công trình và thiết bị lắp đặt vào công trình;

(4) Thời điểm và chỉ dẫn thay thế định kỳ các thiết bị lắp đặt vào công trình;

(5) Chỉ dẫn phương pháp sửa chữa các hư hỏng của công trình, xử lý các trường hợp công trình bị xuống cấp;

(6) Thời gian sử dụng của công trình;

(7) Nội dung, thời gian đánh giá định kỳ đối với công trình phải đánh giá an toàn trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan;

(8) Thời điểm, đối tượng và nội dung cần kiểm định định kỳ;

(9) Thời điểm, phương pháp, chu kỳ quan trắc đối với công trình có yêu cầu thực hiện quan trắc;

(10) Các chỉ dẫn khác liên quan đến bảo trì công trình xây dựng và quy định các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

Hồ sơ quản lý chất lượng công trình

Hồ sơ quản lý chất lượng công trình (Ảnh minh họa)

6. Phải phá dỡ công trình nếu xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm

Theo Điều 44, khi công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, bên cạnh việc kiểm tra hiện trạng cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp (hạn chế sử dụng, ngừng sử dụng, di chuyển người và tài sản nếu công trình có nguy cơ sập đổ…) thì một trong những việc làm quan trọng cần được tính đến đó là sửa chữa hư hỏng, thậm chí là phá dỡ nếu cần thiết.

Xem thêm: 8 trường hợp xây dựng không phép, trái phép không bị phá dỡ

Song song với đó, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải báo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Với những công trình đã hết hạn sử dụng nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình muốn tiếp tục sử dụng thì phải tiến hành kiểm tra, kiểm định, đánh giá lại chất lượng hiện trạng công trình; gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có).

Lưu ý, không tiếp tục sử dụng công trình hết hạn mà chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không có nhu cầu sử dụng tiếp hoặc những công trình đã gia cố, cải tạo… mà vẫn không đảm bảo an toàn.

7. Kịp thời giải quyết khi có sự cố công trình

So với trước đây, Nghị định 46 đã chia sự cố công trình thành 3 cấp theo mức độ hư hại và thiệt hại về người như sau:

- Sự cố cấp I:

+ Sự cố làm chết từ 06 người trở lên;

+ Sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp I trở lên hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp I trở lên.

- Sự cố cấp II:

+ Sự cố làm chết từ 01 - 05 người;

+ Sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp II, cấp III hoặc hư hỏng có nguy cơ gây sập, đổ công trình, hạng mục công trình cấp II và cấp III.

- Sự cố cấp III:

Các sự cố còn lại ngoài các sự cố nêu trên.

Trong trường hợp gặp phải sự cố công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kịp thời để tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra.

Tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình để có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời trong quá trình giải quyết sự cố.

Với những thông tin nêu trên, Nghị định 46 sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng, bảo trì công trình trong suốt quá trình đầu tư, thi công và đưa vào khai thác, sử dụng.

>> Danh sách 10 loại công trình được miễn giấy phép xây dựng

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục