Nghệ An: Nữ giúp việc bạo hành cháu bé 4 tháng tuổi

Mở điện thoại kiểm tra camera quan sát lắp đặt ở nhà, người cha bàng hoàng phát hiện nữ giúp việc đang có hành vi bạo hành con mình.

Một đoạn clip dài khoảng 30 giây ghi lại cảnh một người phụ nữ đánh liên tiếp vào người một cháu bé mới vài tháng tuổi đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Chủ nhân của đoạn clip này là anh Đinh Văn Tài (33 tuổi, Nghệ An). Theo anh Tài, người phụ nữ trong clip là giúp việc của gia đình anh, cháu bé bị bạo hành là con của vợ chồng anh mới hơn 04 tháng tuổi. Theo đó, vào sáng 24/10, khi mở điện thoại kiểm tra dữ liệu camera quan sát lắp đặt ở nhà, anh Tài phát hiện người giúp việc ngồi trên võng bế cháu bé rồi dùng gối đập liên tiếp vào đầu cháu. Người phụ nữ này sau đó còn dùng tay đánh vào người em bé, bế xốc, giật người cháu… Hình ảnh trong camera được công bố là dữ liệu được ghi lại hôm 11/10/2017. Theo chia sẻ của anh Tài, sau ngày hôm đó, cháu bé có hiện tượng nôn ói, ngủ mơ, gia đình anh đã đưa cháu đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện cháu bị tổn thương ở não, chẩn đoán khả năng bị phồng não.

Về phía người phụ nữ giúp việc, sau khi bị công an triệu tập, người này đã thừa nhận hành vi của mình. Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để điều tra, xử lý vụ việc.


Hình ảnh nữ giúp việc đánh cháu bé được camera ghi lại

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em đã được phát hiện, xử lý thời gian vừa qua.

Theo Hiến pháp năm 2013, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 của Quốc hội cũng quy định hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể về các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Cụ thể, Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần… Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

Hành vi của nữ giúp việc nếu gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu bé, gây thương tật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999 với mức phạt cao nhất là 03 năm tù; Hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là chung thân trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, việc phạm tội với trẻ em được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thời gian qua, tình trạng trẻ em bị xâm hại đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, gia tăng về số lượng và mức độ. Trong khi cả thế giới đang ra sức bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực và xâm hại thì hành vi của nữ giúp việc nói trên rất đáng lên án và cần được xử lý nghiêm minh.

Quy định xử phạt nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc xem thêm:

Hiến pháp năm 2013 

Luật Trẻ em của Quốc hội, số 102/2016/QH13

Bộ luật Hình sự của Quốc hội, số 15/1999/QH10

Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục