Ngày lễ Giáng sinh (hay còn gọi là ngày lễ Noel) được tổ chức từ đêm ngày 24/12 đến hết ngày 25/12. Không khí giáng sinh của năm nay đã cận kề. Nhân ngày này, người lao động có được nghỉ làm?
Đã từng cho phép nghỉ có lương vào ngày Giáng sinh
Trước đây, theo Nghị định 028-TTg do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, một trong những ngày lễ được nghỉ có lương là ngày Thiên chúa giáng sinh.
Cụ thể, cán bộ, công nhân, viên chức, kể cả công nhân, viên chức trong các xí nghiệp tư doanh được nghỉ 01 ngày dịp Giáng sinh, là ngày 25/12 dương lịch. Tương tự, vào ngày sinh Đức Phật Thích ca (ngày 08/04 Âm lịch), công chức, viên chức và người lao động cũng được nghỉ 01 ngày…
Tuy nhiên, nếu các ngày nghỉ lễ nêu trên trùng vào ngày chủ nhật thì không được nghỉ bù.
Sau đó, Nghị định 13-CP sửa đổi Nghị định 028-TTg không còn quy định về việc ngày Giáng sinh được nghỉ có lương, mà chỉ quy định: Đối với những người là tín đồ các tôn giáo, trong ngày lễ chính thống của tôn giáo mình, nếu tham gia vào các cuộc hành lễ thì được xin phép nghỉ không quá 01 ngày.
Ngày lễ Giáng sinh được nghỉ làm? (Ảnh minh họa)
Hiện nay, ngày lễ Giáng sinh có thể nghỉ không lương
Các quy định về ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng năm… hiện nay được áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13. Cụ thể, theo Điều 115 của Bộ luật này, người lao động chỉ được nghỉ làm, hưởng nguyên lương trong các ngày: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh… mà không được nghỉ ngày lễ Giáng sinh.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động có nhu cầu nghỉ làm vào ngày này thì có thể xin nghỉ theo chế độ nghỉ phép năm, nếu chưa nghỉ hết phép (mỗi năm người lao động có từ 12 ngày nghỉ phép, nếu làm việc tại đơn vị sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên).
Ngoài ra, người lao động cũng có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để xin nghỉ không lương vào ngày lễ Giáng sinh.
Xem thêm:
Năm 2019: 14 trường hợp được nghỉ làm, hưởng nguyên lương
LuatVietnam