Để ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ tùy thân giả để mở thẻ ATM, tài khoản thanh toán, sau đó bán lại cho người khác sử dụng, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã đưa các khuyến cáo về vấn đề này.
Không mở hộ, cho mượn CMT mở thẻ ATM
Hiện nay, việc đăng ký mở và sử dụng thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán phải tuân theo quy định chặt chẽ của Thông tư 19/2016/TT-NHNN. Đặc biệt, Điều 17 của Thông tư này nhấn mạnh chủ thẻ phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của ngân hàng và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng sử dụng giấy tờ tùy thân giả để đăng ký phát hành thẻ để bán lại cho người khác để sử dụng (có thể được sử dụng với mục đích bất hợp pháp như tạo tài khoản nặc danh, rửa tiền, tài trợ khủng bố...). Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là hành vi bị cấm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo không mở hộ tài khoản ngân hàng (Ảnh minh họa)
Mở tài khoản thanh toán nặc danh bị phạt đến 150 triệu
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng – 150 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi thiết lập và duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả để rửa tiền.
Trong trường hợp nghiêm trọng, các hành vi nêu trên có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
LuatVietnam