Hành vi ném vỡ kính xe buýt của nam thanh niên trên phố Phạm Ngọc Thạch có thể bị quy vào tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Mức phạt cao nhất cho hành vi này là 03 năm tù.
Sự việc xảy ra vào chiều 11/06 tại bến xe buýt trên phố Phạm Ngọc Thạch hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chiếc xe buýt số 26 khi vừa vào bến để đón trả khách thì bất ngờ bị “ăn” một viên gạch của một nam thanh niên. Nguyên nhân vụ việc được cho là bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân giữa nam thanh niên này và bạn gái. Theo đó, sau trận cãi vã với người yêu tại điểm chờ xe buýt, nam thanh niên đe dọa bạn gái nếu bước lên xe buýt thì sẽ ném vỡ cửa kính xe. Nói là làm, khi chiếc xe buýt vừa tới bến, cô gái vừa bước lên xe thì nam thanh niên cầm gạch ném thẳng vào cửa kính xe. Hậu quả kính xe buýt bị vỡ một mảng lớn, một người ngồi trên xe bị thương ở vùng đầu.
(Ảnh Internet)
Phân tích kỹ hành động của nam thanh niên này có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và tội Gây thương tích, tổn hại sức khỏe người khác. Những hành vi này đều được luật pháp quy định rất rõ ràng, đi kèm các mức phạt cụ thể.
Theo đó, đối với tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Những trường hợp khác, mức phạt cũng sẽ thay đổi. Do đó, để có căn cứ xử lý nam thanh niên, các cơ quan chức năng cần phải định giá trị tài sản bị hư hỏng.
Trong khi đó, việc ném gạch vào kính xe dẫn đến gây thương tích cho một hành khách trên xe dù chỉ là điều không mong muốn nhưng nam thanh niên này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Mức phạt cho hành vi này sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật của nạn nhân. Nếu nạn nhân bị thương, bị tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, nam thanh niên sẽ bị xử lý theo Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu, ốm đau, hoăc người khác không có khả năng tự vệ… thì người phạm tội cũng sẽ bị xử lý theo quy định của Điều 104.
Như vậy có thể thấy rằng, chỉ vì không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình, nam thanh niên đã có hành động làm ảnh hưởng đến xã hội và gây nguy hiểm cho người khác, và có thể phải cùng lúc đối mặt với 2 tội danh.
Quý khách có thể xem chi tiết nội dung Bộ luật Hình sự tại link dưới đây:
- Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội