Năm học mới 2021 - 2022, giáo viên, phụ huynh, học sinh cần lưu ý gì?

Một năm nhiều biến động của ngành giáo dục do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 sắp qua đi. Sang năm học mới 2021 - 2022, giáo viên, phụ huynh và học sinh cần lưu ý những thông tin mới.


1. Học sinh lớp 2, lớp 6 bắt đầu học Chương trình mới

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, từ năm học 2021 - 2022, sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình học mới với khối lớp 2 và lớp 6.

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrh hướng dẫn chương trình giáo dục trung học. Trong đó chỉ rõ, từ năm học tới, học sinh lớp 6 sẽ có nhiều thay đổi về môn học.

Cụ thể, môn Địa lí và môn Lịch sử trước đây sẽ được ghép thành một môn chung, là Lịch sử và Địa lí. Nội dung môn Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.

Các môn Vật lí, môn Hóa học và môn Sinh học trước đây được ghép thành một môn chung, là môn Khoa học tự nhiên, với các chủ đề về: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

nam hoc moi dung sach giao khoa nao

Năm học mới dùng sách giáo khoa nào? học phí ra sao? (Ảnh minh họa)


2. Đã có Danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 


Như đề cập ở trên, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình học mới từ năm học tới. Danh mục sách giáo khoa dành cho các khối lớp này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Quyết định 709/QĐ-BGDĐT và 718/QĐ-BGDĐT

- Sách lớp 2 gồm: Sách Tiếng Việt 2 có 3 quyển; sách Toán 2 gồm 3 quyển; sách Đạo đức 2 gồm 3 quyển đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản...

- Sách lớp 6 gồm 40 quyền: Ngữ văn 6 Tập 1, Tập 2 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh; Toán 6 Tập 1, Tập 2 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Tiếng Anh 6 Friends Plus - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam...

Các phụ huynh cần lưu ý thông tin trên để chọn mua sách giáo khoa phù hợp cho con.


3. Giáo viên chưa phải soạn giáo án theo mẫu mới

Cuối năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, trong đó yêu cầu giáo viên xây dựng giáo án mới theo Khung kế hoạch bài dạy được ban hành tại Phụ lục kèm theo Công văn này.

Thông tin này khiến rất nhiều giáo viên “rối bời” vì theo họ, mẫu giáo án mới khó và dài. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Công văn 2613 về thực hiện Chương trình giáo dục trung học năm học 2021 - 2022 và giải thích:

- Với khối lớp 6: Việc sử dụng các Phụ lục kèm theo Công văn 5512 chỉ được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch, dạy học, kế hoạch giáo dục và soạn giáo án.

- Với khối lớp 7 đến 12: Giáo viên cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc sáng tạo xây dựng kế hoạch dạy học, soạn giáo án (hoàn thiện giáo án đã được xây dựng và thực hiện từ các năm trước).

Như vậy, theo tinh thần của Công văn 2612, chỉ giáo viên lớp 6 mới áp dụng hướng dẫn của Công văn 5512 và mẫu giáo án ban hành kèm theo Công văn 5512 chỉ mang tính chất tham khảo.

Xem thêm: Mẫu giáo án theo Công văn 5512.


4. Không tăng học phí năm học 2021 - 2022

Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng cho người học và phụ huynh, mức học phí năm học tới được cho là sẽ giữ ổn định như năm học 2020 - 2021.

Cụ thể, đối với các trường dạy nghề, ngày 09/6/2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 1754/LĐTBXH-TCGDNN hướng dẫn mức thu học phí trong năm học tới.

Bộ này đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các trường dạy nghề giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như năm ngoái; đồng thời tiếp tục thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định.

Tại TP. Hồ Chí Minh - nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng vừa có Công văn số 1729 về thực hiện ổn định mức thu học phí và các khoản thu khác năm học 2021 - 2022 của các trường ngoài công lập trên địa bàn.

5. Thay đổi về đánh giá học sinh THCS, THPT

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT việc đánh giá học sinh THCS, THPT có nhiều điểm mới đáng chú ý như sau:

Xếp loại học sinh theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt

Việc xếp loại học lực và hạnh kiểm của học sinh theo các mức Tốt, Khá, Trung bình, Yếu như trước đây được thay bằng đánh giá kết quả học tập và kết quả rèn luyện theo các mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.

Xóa bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến

Theo Thông tư 22, học sinh sẽ không còn được khen thưởng danh hiệu học sinh tiên tiến mà chỉ được khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc.

Xem thêm: Xếp loại học sinh giỏi, xuất sắc thế nào theo quy định mới?

Không còn phân biệt môn chính, môn phụ

Theo quy định trước đây tại điểm a khoản 1 Điều 13 Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, để được xếp loại học lực giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên.

Tuy nhiên, theo Điều 9 Thông tư 22, học sinh sẽ được xếp loại học lực ở mức Tốt nếu tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét được ở mức Đạt; tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số có điểm trung bình môn từ 6,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn có điểm trung bình môn từ 8,0 trở lên.

Như vậy, theo Thông tư mới, tất cả các môn đều được tính điểm như nhau, không còn chú trọng hay ưu tiên các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Trên đây là những thông tin về năm học mới 2021 - 2022 mà giáo viên, phụ huynh và học sinh cần biết. Nếu còn băn khoăn các quy định của pháp luật về giáo dục, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192. 

>> Chính sách mới về giáo dục năm 2021 

>> Toàn bộ điểm mới của Thông tư 22 về đánh giá học sinh THCS, THPT

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục