Năm 2018, các bà bầu văn phòng cần nhớ kỹ những điều này

Mức trợ cấp thai sản hiện nay đang ở mức 2,6 triệu đồng/tháng, nhưng từ ngày 01/07/2018 mức trợ cấp này sẽ tăng lên 2,78 triệu đồng. Ngoài ra, các bà bầu văn phòng cũng cần lưu ý một số chế độ thai sản khác…

Theo thống kê, phụ nữ hiện chiếm khoảng 47% tổng lực lượng lao động quốc gia. Lao động nữ hiện tham gia vào nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Hiện tượng lao động nữ mang thai và làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên, không phải "bà bầu văn phòng" nào cũng hiểu và nắm rõ được những quyền lợi mà mình được hưởng từ lúc mang thai đến lúc sinh con.

Không phải bà bầu văn phòng nào cùng hiểu rõ các chế độ thai sản

1. Mức trợ cấp thai sản tăng lên 2,78 triệu đồng/tháng

Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Lao động nữ sinh con được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở”. Trong khi đó, tại Nghị quyết 49/2017/QH14, Quốc hội thống nhất từ 01/07/2018, lương cơ sở sẽ tăng lên mức 1,39 triệu đồng/tháng.

Như vậy, với việc điều chỉnh mức lương cơ sở nêu trên, mức trợ cấp thai sản sẽ tăng lên mức 2,78 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành) từ thời điểm 01/07/2018.

2. Được nghỉ đi khám thai 5 lần

Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

3. Lao động nữ sẩy thai được nghỉ việc tối đa 50 ngày

Đây là quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Cụ thể, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc tối đa: 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng

4. Vợ sinh con, chồng được nghỉ

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi được nghỉ 07 tháng, sinh ba được nghỉ 08 tháng…

Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có vợ sinh con được nghỉ 05 ngày nếu vợ sinh thường; 07 ngày nếu vợ sinh mổ, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu vợ sinh đôi, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày; 14 ngày nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá 06 tháng.

Quy định này được nêu tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

5. Mức trợ cấp khi vợ không tham gia BHXH

Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có người chồng  tham gia BHXH thì người chồng được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ sinh con cho mỗi con.

Trong khi đó, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, điều kiện để chồng được hưởng trợ cấp khi vợ sinh con cụ thể như sau: Nếu chỉ có chồng tham gia BHXH thì chồng phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con…

6. Được đi làm trước 6 tháng

Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, lao động nữ phải thông báo trước với người sử dụng lao động và được người sử dụng lao động đồng ý. Đây là quy định tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội.

7. Dưỡng sức sau thai sản

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày làm việc đầu tiên sau chế độ nghỉ thai sản, lao động nữ có quyền xin nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 - 10 ngày và được nhận 30% lương cơ sở/ngày.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục