Mức trợ cấp xã hội hàng tháng từ 01/7/2021 là bao nhiêu?

Với việc ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định mức trợ cấp xã hội hàng tháng mới áp dụng từ ngày 01/7/2021 tới đây với nhiều đối tượng. Dưới đây là quy định cụ thể về vấn đề này.


Tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 360.000 đồng/tháng

Trước đây, các đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 140/2018/NĐ-CP.

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 20/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ để xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

Trước ngày 01/7/2021 - ngày Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực, mức chuẩn trợ giúp xã hội được áp dụng là 270.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021 trở đi, mức này đã tăng lên 360.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021.

Đồng thời, đây chỉ là mức chuẩn - mức thấp nhất để cơ quan có thẩm quyền căn cứ trợ giúp xã hội. Đặc biệt, mức chuẩn điều chỉnh được áp dụng tại từng địa bàn, từng địa phương sẽ không thấp hơn mức 360.000 đồng/tháng này.

Ngoài ra, tùy vào khả năng cân đối của ngân sách, giá tiêu dùng và tình hình đời sống của các đối tượng được bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn này cho phù hợp.


Nhiều quy định mới về trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2021 (Ảnh minh họa)


Người cao tuổi được trợ cấp hàng tháng bao nhiêu tiền?

Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 định nghĩa, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Xem thêm: Người già khác người cao tuổi thế nào?

Theo đó, người cao tuổi là một trong các đối tượng được trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng được trợ cấp. Theo khoản 5 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định này, người cao tuổi sẽ được trợ cấp cụ thể như sau:

STT

Đối tượng

Mức hỗ trợ

(đồng/tháng)

1

- Từ đủ 60 - 80 tuổi.

- Hộ nghèo.

- Không có người phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

540.000

2

- Từ đủ 80 tuổi trở lên.

- Hộ nghèo.

- Không có người phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

720.000

3

- Từ đủ 75 - 80 tuổi.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Không thuộc trường hợp (1).

- Sống ở xã đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn.

360.000

4

- Từ đủ 80 tuổi trở lên.

- Không thuộc trường hợp (2).

- Không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

360.000

5

- Hộ nghèo.

- Không có người phụng dưỡng.

- Không có điều kiện sống ở cộng đồng.

- Đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi, chăm sóc tại cộng đồng.

1.080.000


Trẻ em nào được trợ cấp xã hội hàng tháng?

Bên cạnh người cao tuổi, trẻ em cũng là một trong những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, trẻ em là người dưới 16 tuổi (theo Điều 1 Luật Trẻ em).

Căn cứ Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ em nếu đáp ứng các điều kiện sau đây thì được trợ cấp hàng tháng như sau:

STT

Đối tượng hưởng

Mức trợ cấp

(đồng/tháng)

1

Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng

- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi.

- Mồ côi cả cha và mẹ.

- Mồ côi cha/mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích hoặc đang hưởng chế độ ở cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; chấp hành hình phạt tù, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

- Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích.

- Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ ở cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; đang chấp hành hình phạt tù, trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng…

- Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích và người còn lại đang hưởng chế độ ở cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; chấp hành hình phạt tù, trong cơ sở cai nghiện bắt buộc…

- Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ ở cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang chấp hành án phạt tù, trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng…

1.1

Dưới 04 tuổi.

900.000

1.2

Từ đủ 04 tuổi trở lên.

540.000

2

- Thuộc một trong các trường hợp (1).

- Đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Đủ 16 tuổi.

- Đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học bằng thứ nhất.

- Tiếp tục hưởng chính sách trợ giúp xã hội đến tối đa 22 tuổi.

540.000

3

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

3.1

Dưới 04 tuổi.

900.000

3.2

Từ đủ 04 tuổi - dưới 16 tuổi.

720.000

4

- Trẻ em dưới 03 tuổi.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Không thuộc các trường hợp trên.

- Đang sống tại xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

540.000

Mức trợ cấp cho các người đơn thân nuôi con nhỏ, người khuyết tật

Ngoài người cao tuổi và trẻ em, Nghị định 20 còn quy định các đối tượng khác cũng được trợ cấp hàng tháng theo mức trợ cấp xã hội mới 360.000 đồng/tháng gồm:

STT

Đối tượng

Mức trợ cấp

(đồng/tháng)

1

Người đơn thân nghèo đang nuôi con gồm:

- Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ.

- Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích; đang nuôi con đang học văn hóa, học nghề… từ 16 - 22 tuổi.

360.000 đồng/tháng/con

2

Người khuyết tật nặng; Người khuyết tật đặc biệt nặng.

2.1

Người khuyết tật đặc biệt nặng.

720.000

2.2

- Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng.

- Người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng.

900.000

2.3

Người khuyết tật nặng.

540.000

2.4

- Trẻ em khuyết tật nặng.

- Người cao tuổi khuyết tật nặng.

720.000

3

- Người nhiễm HIV/AIDS.

- Thuộc hộ nghèo.

- Không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như: Tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

540.000

Thêm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí

Hiện nay, theo Điều 2 Nghị định 70/2015/NĐ-CP; Điều 2, Điều 3 và Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định 79/2020/NĐ-CP, có 29 đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí.

Trong đó, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng là một trong các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế nên sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí.

So với quy định tại Điều 9 Nghị định 136/2013 về việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng bảo trợ xã hội thì Điều 9 Nghị định 20 bổ sung thêm một số đối tượng gồm:

- Người đơn thân hộ cận nghèo đang nuôi con nhỏ.

- Người cao tuổi từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (trường hợp (3) nêu trên).

- Trẻ dưới 03 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn (trường hợp (4) nêu trên).

- Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Xem thêm…


Thủ tục hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Thủ tục để hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 20/2021 này. Trong đó:

Hồ sơ cần nộp

Tờ khai theo mẫu ban hành kèm Nghị định này

Hồ sơ xuất trình

- Sổ hộ khẩu của đối tượng hoặc văn bản xác nhận của công an xã, phường, thị trấn;

- Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

- Giấy khai sinh của trẻ em (xét cho trẻ em, người đơn thân nghèo đang nuôi con, người khuyết tật đang nuôi con);

- Giấy tờ xác nhận bị nhiễm HIV của cơ quan y tế có thẩm quyền (xét cho người bị nhiễm HIV);

- Giấy tờ xác nhận đang mang thai của cơ quan y tế (xét cho người khuyết tật đang mang thai);

- Giấy xác nhận khuyết tật (xét cho người khuyết tật).

Nộp hồ sơ tại đâu?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Thời gian giải quyết

Bước 1: Nộp hồ sơ cho Chủ tịch UBND xã.

- Rà soát hồ sơ trình Chủ tịch UBND xã xem xét, quyết định việc xét duyệt trong 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (khoản 2 Điều 17 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định là 10 ngày làm việc).

- Niêm yết công khai kết quả tại trụ sở trong 02 ngày trừ các thông tin liên quan đến HIV/AIDS của đối tượng (quy định cũ là 05 ngày làm việc).

- Nếu có khiếu nại thì phải xem xét, kết luận, công khai nội dung khiếu nại trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Bước 2: Chủ tịch UBND xã nộp hồ sơ đến Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện.

- Chủ tịch UBND xã gửi văn bản đề nghị kèm hồ sơ đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được xét duyệt và không có khiếu nại.

Bước 3: Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định trợ cấp xã hội

Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ từ Chủ tịch UBND xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch UBND huyện quyết định trợ cấp. Nếu không đủ điều kiện, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng trong thời gian 03 ngày làm việc.

Như vậy, căn cứ quy định này, kể từ khi nộp hồ sơ cho đến khi nhận được quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng, theo quy định mới từ ngày 01/7/2021, thời gian giải quyết tối đa là 22 ngày nếu không có khiếu nại và là 32 ngày nếu có khiếu nại.

Trong khi đó, theo quy định cũ, thời gian này là 28 ngày nếu không có khiếu nại và 38 ngày nếu có khiếu nại.

Trên đây là toàn bộ quy định liên quan đến mức trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngày 01/7/2021 tới đây. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Đối tượng được nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội

>> Các trường hợp được trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 01/7/2021

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục