Hình thức tổ chức mừng thọ người cao tuổi
Người cao tuổi là công dân Việt nam từ đủ 60 tuổi trở lên, tuy nhiên, việc mừng thọ người cao tuổi được nêu rõ tại Điều 21 Luật Người cao tuổi 2009:
- UBND cấp xã phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:
+ Ngày người cao tuổi Việt Nam (ngày 06/6);
+ Ngày Quốc tế người cao tuổi (ngày 01/10) ;
+ Tết Nguyên đán;
+ Sinh nhật của người cao tuổi.
- Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh chúc thọ và tặng quà;
- Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà.
Khoản 4 Điều 8 Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL quy định, nội dung tiêu đề mừng thọ được thể hiện theo độ tuổi cụ thể như sau:
- Đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi: Lễ mừng thọ;
- Đủ 80 tuổi và đủ 85 tuổi: Lễ mừng thượng thọ;
- Đủ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên: Lễ mừng thượng thượng thọ.
Lưu ý: Trường hợp tổ chức lễ mừng thọ chung đối với người cao tuổi thuộc nhiều độ tuổi khác nhau thì nội dung tiêu đề ghi chung là: Lễ mừng thọ.
Mức quà tặng người cao tuổi mừng thọ dịp Tết Kỷ Hợi (Ảnh minh họa)
Tăng mức quà tặng người cao tuổi mừng thọ
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 96/2018/TT-BTC, người cao tuổi mừng thọ từ năm 2019 được tăng mức quà tặng, cụ thể:
- Người cao tuổi 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt (tăng 200.000 đồng)
- Người cao tuổi 90 tuổi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh tặng quà gồm hiện vật trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt (tăng tổng cộng 250.000 đồng).
Mức chi nêu trên là mức tối thiểu, tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức chi cao hơn mức chi này.
- Mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi do Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.