Hiện nay, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ quan trọng của đất nước, khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang. Pháp luật cũng có quy định cụ thể về các nội dung xung quanh Lễ tang này.
Ai được tổ chức Lễ Quốc tang?
Theo Điều 5 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.
Mức chi cho Lễ Quốc tang tối đa bao nhiêu tiền?
Hiện nay, mức chi đối với Lễ Quốc tang thực hiện theo quy định tại Thông tư 74/2013/TT-BTC.
Cụ thể, mức chi từ Ngân sách nhà nước cho một Lễ Quốc tang tối đa là 800 triệu đồng để chi cho các khoản mang tính cố định và các khoản do Ban tổ chức xem xét quyết định.
Các khoản chi mang tính cố định chỉ được chi tối đa 295 triệu đồng, gồm:
- Chi mua quan tài: Tối đa 50 triệu đồng;
- Chi làm bàn thờ tại gia đình: Tối đa 50 triệu đồng;
- Chi xây vỏ mộ (gồm xây vỏ mộ, ốp đá): Tối đa 80 triệu đồng;
- Chi làm bàn thờ, trang trí tại các nơi tổ chức lễ tang: Tối đa 80 triệu đồng;
- Chi mua vải phủ bàn thờ, làm Quốc kỳ phủ linh cữu: Tối đa 15 triệu đồng;
- Chi mua vải liệm, đồ khâm liệm, băng tang: Tối đa 20 triệu đồng.
Đối với các khoản chi do Ban tổ chức xem xét quyết định được xem xét chi tối đa 505 triệu đồng, gồm:
- Chi làm 06 vòng hoa tiêu biểu, 30 vòng hoa luân chuyển;
- Chi thuê xe phục vụ tang lễ;
- Chi thuê nhà bạt, ô che nắng, mưa;
- Chi thuê cây cảnh, thảm trải sàn;
- Chi ăn, ở cho khách địa phương, họ hàng về dự tang lễ;
- Chi quay video, chụp ảnh, truyền hình;
- Chi phục vụ tang lễ: điện, nước, bồi dưỡng phục vụ tang lễ;
- Chi bảo vệ mộ 10 ngày đầu;
- Chi phí khác phát sinh (nếu có).
Không đốt đồ mã tại nơi an táng
Một số quy định đáng chú ý khác trong tổ chức Lễ tang tại Nghị định 105 năm 2012, gồm:
- Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình đến nơi an táng; không đốt đồ mã tại nơi an táng.
- Linh cữu người từ trần không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài.
- Chỉ các thành viên Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức Lễ tang đeo băng tang đen (có chiều rộng 07 cm) trên cánh tay trái...
5 nội dung cần biết về Lễ Quốc tang (Ảnh minh họa)
Lễ Quốc tang tổ chức mấy ngày?
Cũng theo Điều 10 Nghị định 105, thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 ngày.
Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Xem thêm: Cách treo cờ rủ trong ngày Quốc tang
Nơi tổ chức Lễ Quốc tang
Quốc tang được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh).
Về nơi an táng, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội; Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.