Mua hàng online có được phép đổi trả?

Mua hàng online đang trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng do đặc điểm “nhanh - gọn - nhẹ” . Nhưng cũng với hình thức mua bán này, không ít người cần đổi trả lại sản phẩm vì không ưng ý.

Chỉ được đổi trả với hàng hóa có bảo hành

Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về chính sách đổi trả khi mua hàng trên mạng xã hội, trên các website thương mại điện tử.

Bộ luật Dân sự 2015 chỉ đề cập đến Quyền bảo hành hàng hóa, trong đó nêu rõ: “Trong thời hạn bảo hành, nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền” (Điều 447).

Tương tự, Điều 21 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành thì bên bán phải có trách nhiệm “đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời hạn thực hiện bảo hành mà không sữa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi”.

Như vậy, theo pháp luật hiện hành, chính sách đổi trả hàng chỉ được quy định đối với hàng hóa có bảo hành, còn rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như quần áo, giày dép… được mua bán sôi nổi trên “chợ online” thì việc đổi trả hoàn toàn dựa vào chính sách của bên bán.

Mua hàng online có được phép đổi trả? (Ảnh minh họa)

Chỉ được đổi trả khi có lý do chính đáng

Trên các website thương mại điện tử lớn hiện nay, chính sách đối trả hàng được xây dựng một cách tương đối rõ ràng, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người mua cũng như đảm bảo công bằng với bên bán.

Điển hình như ứng dụng mua bán trên di động có tên S…pee, người mua được trả lại hàng nếu hàng hóa khác với mô tả; Nhận sai hàng; Thiếu hàng; Hàng đã qua sử dụng; Hàng giả/nhái; Hàng lỗi, không hoạt động hoặc Hàng bị bể/vỡ. Tuy nhiên người mua cần phải yêu cầu đổi trả hàng trong thời gian nhất định và phải được bên bán xác nhận.

Tương tự, trên website bán hàng L…da.vn, khách hàng được trả lại hàng nếu hàng không còn nguyên vẹn hoặc nguyên mới; Hàng hóa bị lỗi; Hàng hóa không đúng với thông tin mô tả…; thông thường khách hàng phải chụp ảnh sản phẩm lỗi và gửi lại cho bộ phận chăm sóc khách hàng để khiếu nại, yêu cầu trả hàng, hoàn tiền.

Khác với những website thương mại điện tử có chính sách rõ ràng như trên, việc yêu cầu đổi trả hàng khi mua từ những trang facebook cá nhân thường khó khăn hơn rất nhiều. Trong nhiều trường hợp, bên mua đành phải ngậm ngùi nhận sản phẩm hỏng, lỗi mà không thể đổi trả do bên bán cố tình không đáp ứng yêu cầu.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục