Theo quy định, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít cũng như mệnh giá của tiền. Vậy mua bán tiền giả sẽ bị xử lý thế nào?
1. Tiền giả là gì?
Theo Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010:
Điều 17. Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định trên có thể hiểu tiền giả là tiền giống với tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành và hành vi tiêu thụ, mua bán, tàng trữ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Bạn cần biết: Hướng dẫn 5 cách nhận biết tiền thật - giả
2. Mua bán tiền giả có thể bị truy cứu hình sự về những tội nào?
2.1 Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Theo Điều 207 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo giá trị tiền giả, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 - 20 năm tù hoặc chung thân. Cụ thể:
- Phạt tù từ 03 - 07 năm với người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
- Phạt tù từ 05 - 12 năm với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 05 triệu đến dưới 50 triệu đồng.
- Phạt tù từ 10 năm - 20 năm hoặc tù chung thân với người phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên.
Cũng theo khoản 4 Điều này, người chuẩn bị phạm tội thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.
Bên cạnh hình phạt tù, người phạm tội còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán.
2.2 Mua bán tiền giả có thể xử lý tội lừa đảo
Người dùng tiền giả để mua bán hàng hóa có thể xử lý hình sự với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các mức phạt như sau:
- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 - 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể:
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...
Theo khoản 2 Điều này, người phạm tội bị phạt tù từ 02 - 07 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng...
- Phạt tù từ 07 - 15 năm với người chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015).
- Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân với người chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên (theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015).
Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là bài viết về Mua bán tiền giả: Tiền mất, tội mang. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.