Một vài lưu ý khi ủy quyền mua bán nhà đất

Khi mua bán nhà, đất mà không muốn tự mình thực hiện các thủ tục thì người dân có thể ủy quyền để người khác làm thay. LuatVietnam xin đưa ra một vài vấn đề cần lưu ý khi ủy quyền mua bán nhà, đất.

Một vài lưu ý khi ủy quyền mua bán nhà đất

Một vài lưu ý khi ủy quyền mua bán nhà đất (Ảnh minh họa)

Về hình thức ủy quyền

Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Công chứng năm 2014 không quy định về hình thức ủy quyền khi mua bán nhà đất. Ủy quyền được hiểu đơn giản là việc một người thay mặt người khác thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, ủy quyền mua bán nhà đất là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và để tránh những hậu quả đáng tiếc, khi ủy quyền nên lập hợp đồng ủy quyền có công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

Lưu ý: Không được chứng thực chữ ký với hợp đồng ủy quyền liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (khoản 4 Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).

Về thành phần hồ sơ

Điều 40 Luật Công chứng năm 2014, Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP  yêu cầu hồ sơ yêu cầu công chứng hoặc chứng thực được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

1) Phiếu yêu cầu công chứng (đối với trường hợp công chứng);

2) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

3) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

4) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

5) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Bản sao trong quy định này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực, xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Lựa chọn văn phòng công chứng, nơi chứng thực

Căn cứ khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở và quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà, đất.

Còn việc công chứng văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với nhà, đất có thể do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng ngoài phạm vi tỉnh, thành nơi có nhà, đất thực hiện.

Nếu bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của họ công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền (khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng năm 2014, khoản 2 Điều 18 Nghị định 04/2013/NĐ-CP).

Xem thêm:

Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất năm 2018


LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục