Một số điều cần biết về Thẻ Căn cước công dân

Thẻ Căn cước công dân là gì? Thẻ Căn cước công dân có thể dùng thay thế cho những loại giấy tờ nào? Lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước công dân là bao nhiêu?...

Thẻ Căn cước công dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Từ năm 2016, thẻ căn cước công dân đã bắt đầu được dùng thay thế cho Chứng minh nhân dân (CMND).

Dưới đây là một số lưu ý về thẻ Căn cước công dân:

1. Đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân

Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

2. Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

Điều 21 Luật Căn cước công dân quy định, thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thẻ căn cước công dân bắt đầu được cấp từ 2016

3. Thẻ Căn cước công dân được dùng thay thế cho những loại giấy tờ nào?

- Thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

- Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

4. Công dân xin cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân ở đâu?

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

5. Công dân làm thẻ Căn cước lần đầu không phải nộp lệ phí

Điều 5 Thông tư 256/2016/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 331/2016/TT-BTC), công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; Đổi thẻ căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân không phải nộp lệ phí.

6. Mức lệ phí đổi thẻ Căn cước

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân phải nộp lệ phí.

- Mức lệ phí khi chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.

Căn cứ pháp lý: Thông tư 256/2016/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 331/2016/TT-BTC)

7. Thủ tục cấp, đổi thẻ

- Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

- Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân...

- Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;

- Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

- Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy…

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục