Mật độ dân số là gì? Mật độ dân số được tính thế nào?

Mật độ dân số là gì? Mật độ dân số của Việt Nam là bao nhiêu? luôn là những câu hỏi được nhiều người quan tâm khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, dân số Việt Nam đang ngày càng nhiều lên. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết các vấn đề xung quanh mật độ dân số.


1. Mật độ dân số là gì?

Hiện không có quy định nào của pháp luật định nghĩa mật độ dân số là gì? Để hiểu rõ định nghĩa này, trước hết có thể tìm hiểu các khái niệm khác như sau:

- Dân số: Theo khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh dân số năm 2003, dân số được định nghĩa như sau:

1. Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính.

- Mật độ: Theo Wiki, đây là một đại lượng thể hiện lượng vật chấ trên mỗi đơn vị đo như chiều dài, diện tích, thể tích.

Như vậy, có thể hiểu mật độ dân số là tổng số dân bình quân sinh sống trên một đơn vị diện tích lãnh thổ. Theo Tổng cục Thống kê, có thể hiểu mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một km2 diện tích lãnh thổ.

Trong đó, có thể tính mật độ dân số cho toàn quốc hoặc cho riêng từng vùng (nông thôn, thành thị…), từng tỉnh, từng huyện, xã… riêng biệt để phản ánh tình hình phân bổ dân số của địa phương đó theo địa lý trong một thời gian nhất định.


2. Mật độ dân số có vai trò gì với quy hoạch đô thị?

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch đô thị được định nghĩa là việc tổ chức kiến trúc, cảnh quan, không gian đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở để tạo môi trường sống thích hợp cho người dân. Quy hoạch đô thị được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Về vai trò của quy hoạch đô thị và mật độ dân số là gì, căn cứ Điều 140 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, mật độ dân số là một trong các tiêu chí cơ bản để phân loại đô thị.

Theo đó, bên cạnh tiêu chí mật độ dân số, các tiêu chí cơ bản khác gồm quy mô dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đô thị.

Căn cứ các tiêu chí này, đô thị sẽ được phân thành 06 loại gồm loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III, loại IV và đô thị loại V. Cụ thể, xét riêng tiêu chí về mật độ dân số của các loại đô thị theo Nghị quyết 1210 năm 2016 như sau:

STT

Loại đô thị

Mật độ dân số

Nội thành/diện tích đất xây dựng đô thị

1

Loại đặc biệt

Từ 3.000 người/km2 trở lên

Từ 12.000 người/km2 trở lên

2

Loại I

Từ 2.000 người/km2 trở lên

Từ 10.000 người/km2 trở lên

3

Loại II

Từ 1.800 người/km2 trở lên

Từ 8.000 người/km2 trở lên

4

Loại III

Từ 1.400 người/km2 trở lên

Từ 7.000 người/km2 trở lên

5

Loại IV

Từ 1.200 người/km2 trở lên

Từ 6.000 người/km2 trở lên

6

Loại V

Từ 1.000 người/km2 trở lên

Từ 5.000 người/km2 trở lên


3. Cách tính mật độ dân số như thế nào?

Sau khi nắm rõ định nghĩa mật độ dân số là gì, dưới đây bài viết sẽ giới thiệu chi tiết về cách tính mật độ dân số.

3.1 Cách tính

Căn cứ Phụ lục số 3 ban hành kèm Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, mật độ dân số toàn đô thị được tính theo công thức:

Mật độ dân số toàn đô thị (người/km2) = Dân số toàn đô thị đã tính quy đổi (người)/diện tích đất tự nhiên toàn đô thị (km2).

Mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị (người/km2) = Dân số khu vực nội thành, nội thị đã tính quy đổi (người) / Diện tích đất xây dựng đô thị trong khu vực nội thành không bao gồm các diện tích tự nhiên như núi cao, mặt nước, không gian xanh và các khu vực cấm (km2).

Như vậy, có thể thấy, công thức tính chung của mật độ dân số viết theo cách đơn giản nhất sẽ là:

Mật độ dân số (người/km2) = Số dân (người) / diện tích (km2)

Ngoài ra, thực tế còn có một số phương pháp tính mật độ dân số khác với các tên gọi khác như:

- Mật độ sinh lý = Tổng số dân / diện tích đất canh tác

- Mật độ nông nghiệp = Tổng số dân nông thôn / tổng diện tích đất nông nghiệp

- Mật độ dân cư = Tổng số người sống trong đô thị / diện tích đất ở

- Mật độ số học = Tổng số dân / diện tích đất theo km2

3.2 Đơn vị tính

Căn cứ công thức tính nêu trên, đơn vị tính mật độ dân số là người/km2 hoặc người/ha.


4. Mật độ dân số ở Việt Nam so với thế giới

Theo Thông cáo báo chí kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, mật độ dân số cảu Việt Nam là 290 người/km2 tăng 31 người/km2 so với mật độ dân số năm 2009.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra nêu trên, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Phillipin có mật độ dân số là 363 người/km2 và Singapor với mật độ dân số là 8.292 người/km2.

Trong đó, hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Đồng thời, vùng có mật độ dân số thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/ km2.

Theo số liệu chưa được kiểm chứng, năm 2022, mật độ dân số của Việt Nam đã tăng lên 319 người/km2 với số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc thì dân số hiện tại của Việt Nam là 99.059.944 người và tổng diện tích đất là 310.060 km2.

Ngoài ra, căn cứ Wiki, danh sách một số nước theo mật độ dân số tính theo số dân/km2 (theo số liệu của Liên Hợp Quốc) như sau:

Quốc gia

Mật độ
(người/km²)

Singapore

9.150

Hàn Quốc

503

Bỉ

368

Philippines

374

Nhật Bản

336

Việt Nam

278

Vương quốc Anh

262

Đức

226

Ý

202

Thuỵ Sĩ

198

Cộng hoà Séc

133

Đan Mạch

131

Thái Lan

131

Indonesia

132

Ba Lan

123

Pháp

118

Có thể thấy, so với các quốc gia khác, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao trên thế giới.


5. Mật độ dân số phản ánh thông tin gì?

Vẫn căn cứ vào khái niệm mật độ dân số là gì, có thể thấy, số liệu mật độ dân số sẽ phản ánh tình hình dân số sinh sống ở một vùng địa lý hoặc một không gian nhất định. Qua đó, có thể đánh giá dân số ở một vùng hoặc không gian nhất định một cách khái quát nhất có thể.

Thông qua đó để tính toán lượng tài nguyên cần sử dụng cho khu vực đó. Và có thể điều chỉnh, đề xuất kế hoạch để tạo việc làm, điều kiện sống tốt cho dân cư ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn mà mật độ dân số cao.

Ngoài ra, căn cứ vào mật độ dân số để phân bổ dân cư hợp lý giữa các khu vực, vùng địa lý để tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội tốt nhất thông qua các chương trình, dự án khai thác đất đai, tài nguyên tiềm năng nhằm phát huy thế mạnh của từng khu vực (Căn cứ khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh dân số 2003).


6. Tỉnh nào có mật độ dân số cao nhất Việt Nam?

Căn cứ Quyết định số 1845/QĐ-BYT, hiện nay, vấn đề về dân số và phát triển của Việt Nam gồm: Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, tác động của quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mức sinh khác biệt.

Đồng thời, theo thống kê Tổng cục Thống kê ở trên, năm 2019 mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2 và vùng có mật động dân số cao nhất nước ta là Đồng bằng sông Hồng với mật độ 1.060 người/km2, và Đông Nam Bộ với mật độ dân số 757 người/km2 cao hơn mức mật độ dân số trung bình của Việt Nam rất nhiều.

Đặc biệt, hai thành phố có mật độ dân số cao nhất nước là TP. Hồ Chí Minh với 4.363 người/km2 và TP. Hà Nội với mật độ dân số là 2.398 người/km2.

Trên đây là giải đáp về mật độ dân số là gì? Nhìn chung do không có quy định cụ thể nên đây là vấn đề khá phức tạp, độc giả muốn tìm hiểu các quy định liên quan đến mật độ dân số, có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục