7 lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm để không mất điểm oan

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có tới 4 môn thi trắc nghiệm trong tổng số 5 môn thi, chính vì vậy, để được công nhận tốt nghiệp THPT, các sĩ tử cần lưu ý để không mất điểm oan.

Có tới 4 bài thi trắc nghiệm

Theo Công văn 1209/BGDĐT-QLCL, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 27/6 với 05 bài thi:

- 01 bài thi tự luận: Ngữ Văn

- 04 bài thi trắc nghiệm: Toán, Ngoại ngữ và 02 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với thí sinh theo học chương trình Giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh theo học chương trình GDTX).

Thời gian làm bài của các môn thi trắc nghiệm là khác nhau. Riêng môn Toán, thời gian làm bài là 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, các môn còn lại sẽ làm trong vòng 50 phút.

Với lượng kiến thức rộng, bao hàm tất cả chương trình THPT, chính vì vậy, các thí sinh nên cân nhắc thời gian làm bài nhưng vẫn phải đảm bảo nhanh, chính xác.

Thí sinh cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia (Ảnh minh họa)

7 lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia. So với các năm trước, hướng dẫn làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi năm nay vẫn không thay đổi. Và để không mất điểm oan, các thí sinh đặc biệt lưu ý 07 vấn đề dưới đây:

1. Kiểm tra kỹ đề thi trước khi làm bài

Khi nhận đề thi, thí sinh cần lưu ý: Các môn thi thành phần trong mỗi bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi, nếu không cùng mã đề thi, thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi thí sinh nhận đề thi.

Đề thi phải đảm bảo đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã.

Nếu thí sinh bỏ qua bước kiểm tra mà dành thời gian làm bài ngay thì nguy cơ không được tính điểm bài thi này rất cao.

2. Chỉ dùng bút chì để tô đáp án

Thí sinh phải làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phần số báo danh phải ghi và tô đủ phần số (kể cả số 0 phía trước).

Chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời, không được tô bằng bút mực, bút bi. Nên sử dụng loại bút chì gỗ mềm từ 2B đến 4B để dễ tẩy xóa. Tô đủ đậm và vừa khít với ô đáp án, không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn hoặc đánh ký hiệu riêng. Tô đáp án không đúng quy định có thể sẽ vi phạm quy chế thi và không được tính điểm.

3. Tẩy sạch khi muốn thay đổi đáp án

Một trong những lỗi thí sinh thường mắc phải khi làm bài thi trắc nghiệm là tẩy không sạch đáp án cũ mà đã chọn đáp án mới. Điều này rất nguy hiểm, vì bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy, máy sẽ tự động quét hình ảnh. Chính vì vậy, khi không tẩy sạch đáp án cũ, máy sẽ hiểu có hai đáp án, do đó, câu trả lời này sẽ không được tính điểm.

4. Tránh tô nhầm đáp án

Tâm lý, áp lực nên không ít thí sinh sợ sai đã chọn đáp án trên đề thi mà quên không tô vào phiếu trả lời. Hết giờ, với tâm lý hoảng loạn nên không tô kịp, thậm chí tô nhầm đáp án. Chính vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh là hãy giữ bình tĩnh, tô đáp án ngay vào phiếu trả lời và đánh dấu lại trên đề thi nếu còn phân vân.

5. Không để trống câu trả lời

Hầu hết các thí sinh đều làm câu dễ trước, sau đó mới quay lại làm câu khó, dẫn đến trường hợp nhiều câu bị bỏ quên.

Bởi vậy, thí sinh nên đánh dấu nổi bật các câu hỏi đã bỏ qua để quay lại làm, tránh bị mất điểm một cách đáng tiếc.

6. Phải làm chủ thời gian

Thời gian làm bài thi trắc nghiệm không nhiều, trung bình mỗi câu trả lời chỉ từ 01 - 1,5 phút, do vậy, các thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý, không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi, tránh việc bỏ sót các câu hỏi ở phía sau hoặc cuối giờ, làm bài một cách qua loa, vội vàng, kết quả sẽ không được như ý.

7. Nộp bài khi được phép

Dù tự tin với bài làm của mình bao nhiêu thì thí sinh cũng không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài.

Khi hết giờ, thí sinh nộp Phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi, ký tên vào hai Phiếu thu bài thi và chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số Phiếu trả lời của cả phòng thi và cho phép ra về.

(khoản 6 Điều 14 Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT)

Trên đây là những lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm để không bị mất điểm oan. Thí sinh và phụ huynh có thể theo dõi các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại đây.

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục