Lưu ý cần biết khi muốn hiến mô, tạng

Việc hiến mô, tạng phải tuân theo quy định của pháp luật và phải được tiến hành theo trình tự. Người hiến tạng lúc còn sống và sau khi chết sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định…

Câu chuyện của bé Nguyễn Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong thời gian qua. Việc làm của bé Hải An và gia đình đã lay động trái tim hàng triệu người.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chỉ trong vòng hơn 10 ngày qua, kể từ khi câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An được công bố, hơn 500 người đã đến đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Dự kiến con số này sẽ còn tăng lên.

Bé Hải An đã hiến giác mạc của mình cho người khác (Hình ảnh minh họa)

Hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể là việc làm nhân đạo, tự nguyện nhưng cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật. Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định rất rõ về thủ tục, quyền lợi… khi hiến mô tạng, bộ phận cơ thể. Dưới đây là một số lưu ý cần biết khi muốn hiến mô, tạng:

Độ tuổi được hiến mô, tạng

Về độ tuổi được hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể, Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Trình tự, thủ tục đăng ký hiến mô, tạng

Việc đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể ở người sống và sau khi chết được thực hiện theo trình tự sau:

Trước tiên, người có đủ điều kiện quy định bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết với cơ sở y tế. Sau khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, ghép mô, tạng để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế: Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người; Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến; Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến (với trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết); Báo cáo danh sách người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống (Với trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết thì báo cáo về danh sách người đăng ký đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết) cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống có hiệu lực kể từ khi cơ sở y tế nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sống. Trong khi đó,việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

Khi muốn hiến mô, tạng cần lưu ý gì?

Quyền lợi của người hiến mô, tạng

Về quyền lợi, người đã hiến mô được chăm sóc phục hồi sức khỏe miễn phí sau khi thực hiện hiến mô. Đối với người hiến bộ phận cơ thể người, ngoài được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí còn được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Người đã hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Để được tư vấn rõ hơn, bạn đọc quan tâm có thể liên hệ tới:

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người
Địa chỉ: Phòng 230 nhà C2, Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi, Hà Nội.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục