Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng khác nhau như thế nào?

Nếu lương cơ sở áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp thì lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Theo đó, từ tháng 01/2018, mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ 180.000 - 230.000 đồng/tháng, dao động từ 2,76 triệu đồng/tháng - 3,98 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng. Trước đó, tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Quốc hội cũng đã thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng, thời điểm chính thức thực hiện từ ngày 01/07/2018.

Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng là hai loại lương cơ bản  ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, cán bộ, công chức…. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về hai khái niệm này.

Lương cơ sở và lương tối thiểu vùng khác nhau như thế nào?
Hình ảnh minh họa
Theo Điều 3 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP, mức lương cơ sở là mức lương dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội...

Mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương theo vùng, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định. Khác với lương cơ sở, lương tối thiểu vùng áp dụng chung cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp.

Có thể thấy, việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ tác động đến người lao động trong trường hợp người lao động đang có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu như mức lương thực nhận người lao động đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng không có nhiều ý nghĩa với đại đa số người lao động.

Trong khi đó, việc tăng lương cơ sở lại tác động đến tất cả những đối tượng đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu, người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội… Có thể thấy, khi lương cơ sở tăng thì mức lương, trợ cấp, phụ cấp của các đối tượng nêu trên cũng sẽ tăng.

Để tìm hiểu về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Nghị quyết 49/2017/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018

Nghị định 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Nghị định 47/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục