Luật Thuế thu nhập cá nhân: 8 nội dung cần biết

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một trong những nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước. Đây là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân nhằm góp phần cho sự phát triển của đất nước. Dưới đây là tổng hợp những nội dung cần biết của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.


1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền thuế mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã tính các khoản được giảm trừ.

Theo đó, thuế TNCN được xây dựng trên nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế. Thuế thu nhập cá nhân không đánh vào những cá nhân có thu nhập thấp, vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết.

Do đó việc nộp thuế thu nhập cá nhân cũng góp phần làm giảm hợp lý khoảng cách chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư.

Đối tượng phải nộp thuế TNCN gồm: Cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế:

- Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

- Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.


2. Thu nhập 9 triệu đồng/tháng phải nộp thuế TNCN

Theo Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung, thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với mức thuế suất từ 5-35% đối với từng mức thu nhập tính thuế/tháng, cụ thể:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35


Biểu thuế này áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế trừ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp…

Theo biểu thuế thu nhập cá nhân hiện tại áp dụng thu thuế cho phần tiền đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên không ít người lầm tưởng rằng thu nhập 5 triệu đồng/tháng đã bị tính thuế thu nhập cá nhân.

Ở đây, con số 5 triệu đồng/tháng cần được hiểu chính xác là phần thu nhập tính thuế - bằng tổng thu nhập trong tháng (thu nhập chịu thuế) trừ đi các khoản giảm trừ (9 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc…).

Như vậy, có thể hiểu đơn giản thuế TNCN chỉ áp dụng với người có thu nhập tối thiểu trên 9 triệu đồng/tháng.

Xem thêm: Chi tiết về mức thu nhập phải đóng thuế TNCN năm 2018


3. Hướng dẫn cách tính thuế TNCN mới nhất

Có 3 cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công dành cho 3 đối tượng khác nhau, cụ thể:

- Tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần: Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ 3 tháng trở lên;

- Khấu trừ 10%: Dành cho cá nhân ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ;

- Khấu trừ 20%: Đối với cá nhân không cư trú thường là người nước ngoài.

Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế tính theo tháng, kê khai có thể theo tháng hoặc theo quý nhưng quyết toán theo năm. Thuế thu nhập cá nhân được tính tại thời điểm trả thu nhập theo Điều 11 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung. 

Ví dụ: Tiền lương tháng 12/2018 trả vào tháng 01/2019 thì tính vào thu nhập chịu thuế của tháng 01/2019.

Tiền thưởng tết âm lịch năm 2019, trả vào tháng 2/2019 thì cộng vào thu nhập tính thuế TNCN của tháng 02/2019.

Tham khảo chi tiết cách tính thuế thu nhập cá nhân tại đây.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa)


4. Các trường hợp được miễn thuế TNCN

Bên cạnh các khoản thu nhập tính thuế, Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 91/2014/NĐ-CP, còn quy định các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân, cụ thể:

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ…;

- Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất (QSDĐ)ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất;

- Thu nhập từ giá trị QSDĐ của cá nhân được Nhà nước giao đất;

- Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là BĐS giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ,…;

- Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật;

- Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

Theo thông tin trước đó, có một số ý kiến đề xuất đánh thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm, tuy nhiên Bộ Tài chính khẳng định trước mắt chưa thu thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp này.

Xem thêm: Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân với phụ cấp

Các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân (Ảnh minh họa)


5. Giảm trừ gia cảnh ít nhất 108 triệu đồng/năm

Theo Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi, bổ sung thì mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú được thực hiện như sau:

- Mức giảm trừ đối với người nộp thuế: 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc: 3,6 triệu đồng/tháng (43,2 triệu đồng/năm).

Đồng thời, người nộp thuế cần lưu ý một số vấn đề:

- Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

- Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

+ Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

+ Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động...


6. Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN

Các khoản thu nhập không chịu thuế TNCN (Ảnh minh họa)

Bên cạnh các khoản giảm trừ gia cảnh được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân thì các khoản sau cũng không chịu thuế TNCN

Khoản thu nhập

Căn cứ

Tiền ăn giữa ca, ăn trưa

Theo khoản 4 Điều 22 Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH là không được vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.

Phụ cấp điện thoại

Thực hiện theo quy chế của Công ty

Phụ cấp trang phục

Theo khoản 2.7 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, không quá 5.000.000 đồng/người/năm

Tiền công tác phí

Thực hiện theo quy chế của Công ty (Xem chi tiết tại Công văn 1166/TCT-TNCN)

Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ.

Theo điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC

Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt

Thông tư 92/2015/TT-BTC

Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp khác không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN như: Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm; Trợ cấp thất nghiệp; Trợ cấp hưu trí một lần…


7. Phạt chậm nộp thuế TNCN tới 0,07%/ngày

Theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 34 Thông tư 156/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 130/2016/TT-BTC, mức phạt chậm nộp thuế TNCN như sau:

Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/7/2016 nhưng sau ngày 01/7/2016 vẫn chưa nộp thì tính như sau:

- Trước ngày 01/01/2015 tính phạt chậm nộp, tiền chậm nộp:

Nếu số ngày chậm nộp nhỏ hơn 90 ngày thì số tiền phạt được xác định bằng:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp

Nếu số ngày chậm nộp lớn hơn 90 ngày thì số tiền phạt được xác định như sau:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,07% x Số ngày chậm nộp - 90 ngày

- Từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày 01/7/2016 tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày

Chi tiết mức phạt chậm nộp thuế thu nhập cá nhân 2018 xem tại đây.


8. Cách tra cứu mã số thuế cá nhân nhanh nhất

Việc tra cứu mã số thuế cá nhân đã trở nên nhanh chóng, dễ dàng chỉ với một vài thao tác đơn giản. Cách tra cứu mã số thuế cá nhân nhanh nhất được thực hiện như sau:

Bước 1: Truy cập vào đường link:

https://www.tncnonline.com.vn/Pages/TracuuMST.aspx

Bước 2: Nhập số CMTND/hộ chiếu của vào ô Chứng minh thư/Hộ chiếu

Bước 3: Điền dãy chữ và số màu đỏ trong hình chữ nhật bên dưới vào ô Xác nhận thông tin

Bước 4: Bấm vào ô Tìm kiếm.

Chờ và nhận kết quả.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu mã số thuế cá nhân

Do tính thay đổi khá thường xuyên của các quy định liên quan về thuế và thuế thu nhập cá nhân bạn đọc hãy tham khảo các văn bản được cập nhật mới nhất tại đây.

Xem thêm:

Chi tiết cách tính thuế thu nhập cá nhân 2019

Hướng dẫn chi tiết cách tra cứu mã số thuế cá nhân

Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân khi bán đất 2018

7 trường hợp không được ủy quyền quyết toán thuế TNCN

Toàn bộ quy định cần biết về thuế giá trị gia tăng năm 2018

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

10 điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán

Luật sửa đổi 9 Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Thuế thu nhập cá nhân, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính được thông qua ngày 29/11/2024. Dưới đây là tổng hợp điểm mới của Luật sửa đổi 9 Luật 2024 về thuế, kế toán:

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.