Luật Thi hành án dân sự: 07 nội dung đáng chú ý nhất

Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Dưới đây, LuatVietnam tổng hợp những quy định đáng chú ý, được nhiều người quan tâm nhất của Luật này.


1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 đã sửa đổi, bổ sung Điều 45 của Luật Thi hành án dân sự 2008 về thời hạn tự nguyện thi hành án dân sự, theo đó thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án tại Chương IV Luật Thi hành án dân sự 2008 mà không cần thông báo trước cho đương sự. Các biện pháp bảo đảm thi hành án tại Điều 66 bao gồm:

- Phong toả tài khoản;

- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, trong 10 ngày tiếp theo mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.


2. Tiền cấp dưỡng được ưu tiên thanh toán đầu tiên khi thi hành án

Điều 47 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án. Theo đó, số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:

- Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;

- Án phí, lệ phí Toà án;

- Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Tiền cấp dưỡng được ưu tiên thanh toán đầu tiên khi thi hành án (Ảnh minh họa)


Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

- Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

- Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;

- Sau khi thanh toán theo quy định, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án.


3. Không cưỡng chế thi hành án từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau

Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định, khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.


4. 2 nhóm bản án, quyết định phải thi hành ngay dù bị kháng cáo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2014 đã sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự 2008 theo đó những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:

- Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án; Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án; Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Đặc biệt, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:

- Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;

- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2 nhóm bản án, quyết định phải thi hành ngay dù bị kháng cáo theo Luật Thi hành án dân sự (Ảnh minh họa)


5. Chấp hành viên không được thi hành án liên quan đến gia đình mình

Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và người thân trong gia đình là một trong những nội dung liên quan đến những việc Chấp hành viên không được làm theo quy định tại Điều 21 Luật Thi hành án dân sự 2008, bao gồm:

- Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;

- Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Bên cạnh đó, Chấp hành viên không được làm: Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm; Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật; Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án; Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án…

6. Tẩu tán tài sản để trốn thi hành án, phạt đến 20 triệu đồng

Chương V Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm và mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Cụ thể, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau tại khoản 5 Điều 52:

- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;

- Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên;

- Hủy hoại tài sản đã kê biên;

- Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;

- Cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

Tẩu tán tài sản để trốn thi hành án, phạt đến 20 triệu đồng (Ảnh minh họa)


7. Trình tự, thủ tục thi hành án dân sự

Các bước thực hiện quá trình thi hành án dân sự được quy định tại Chương III Luật Thi hành án dân sự 2008.

Bước 1: Hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự

Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Bước 2: Cấp bản án, quyết định cho đương sự

Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật này phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành".

Bước 3: Chuyển giao bản án, quyết định

Tùy từng loại bản án, quyết định mà Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định hoặc trong thời hạn 15 - 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Bước 4: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án

Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Các nội dung chính trong đơn yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Bước 5: Ra quyết định thi hành án

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về 08 điểm mới, nổi bật và đáng chú ý của Luật Thi hành án dân sự. Hiện nay, trên hệ thống của LuatVietnam cũng đã cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan trong lĩnh vực DÂN SỰ, quý khách hàng có thể tham khảo thêm tại đây.


Xem thêm:

Án phí 2018 - Nộp bao nhiêu là đủ?

Hướng dẫn phối hợp thi hành quyết định phá sản

Những điểm đáng chú ý nhất của Bộ luật Dân sự 2015

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục