9 quy định đáng chú ý tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2022

Quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được bảo vệ chặt chẽ nhằm khuyến khích phát triển, tạo lập các tài sản trí tuệ. Vậy Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và mới nhất là 2022 sắp có hiệu lực quy định thế nào về vấn đề này?

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, gồm 3 nhóm quyền chính, chủ thể các quyền này có thể là cá nhân, tổ chức.

Trong đó, quyền tác giả và quyền liên quan được xem là hai trong số nhiều khái niệm quen thuộc, thường được nhiều người sử dụng nhất. Khoản 2, 3 Điều 4 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 định nghĩa như sau:

2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Theo đó, có thể hiểu, quyền tác giả là các quyền đối với tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, thể hiện dưới bất cứ hình thức nào. Quyền liên quan đến quyền tác giả là các quyền đối với cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý trong quyền sở hữu trí tuệ là phân biệt khái niệm chủ sở hữu và người tạo ra tài sản trí tuệ. Hai đối tượng này không phải luôn đồng nhất. Đó là trường hợp người tạo ra tài sản trí tuệ là người sáng tạo, làm ra tài sản nhưng chủ sở hữu lại là người đặt hàng, trả tiền sản xuất, thử nghiệm, thậm chí đầu tư toàn bộ trang thiết bị phục vụ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ đó.

luat so huu tri tue

2. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu mới nhất 

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Luật Sở hữu trí tuệ là thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu được quy định như sau:

2.1 Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Hồ sơ nộp đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm:

- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu ban hành kèm theo Thông tư 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 (hai bản).

- Mẫu nhãn hiệu giống nhau được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm, không nhỏ hơn 80mm, tổng thể nhãn hiệu được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm… (05 mẫu) kèm theo danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Chứng từ chứng minh đã nộp phí, lệ phí liên quan đến đăng ký nhãn hiệu.

- Giấy ủy quyền (nếu có - áp dụng cho trường hợp người làm thủ tục không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký).

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, quyền đăng ký… (nếu có).

2.2 Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu 

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu như sau:

- Thẩm định hình thức: Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn.

- Công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận về mặt hình thức.

- Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Không quá 09 tháng kể từ ngày đơn được công bố.

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Trong 01 - 02 tháng, kể từ ngày có thông báo dự định cấp Giấy chứng nhận.

Như vậy, với một hồ sơ hợp lệ, thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài đến hơn 01 năm. Tuy nhiên, thời gian này thậm chí có thể kéo dài lâu hơn quy định nêu trên bởi trên thực tế, trong quá trình đăng ký có thể sẽ phát sinh những sự kiện bất khả kháng hoặc vì nguyên nhân khác…

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký nhãn hiệu

3. Bí mật kinh doanh có cần đăng ký bảo hộ không?

Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi năm 2009 quy định về bí mật kinh doanh như sau:

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh

Theo đó, quyền sở hữu đối với bí mật kinh doanh được xác lập dựa trên việc sở hữu bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Khác với nhãn hiệu, sáng chế hay chỉ dẫn… quyền sở hữu công nghiệp với bí mật kinh doanh được hiển nhiên xác lập mà không cần phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Vậy làm thế nào để xác định được bí mật nào là bí mật kinh doanh?

Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Vì vậy, để được xem là bí mật kinh doanh, thông tin phải đáp ứng được những điều kiện khá khó khăn, nhưng lại có thể dễ dàng bị xâm phạm. Do đó, các doanh nghiệp cần có phương thức để bí mật kinh doanh không bị bộc lộ, tránh bị xâm phạm gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

luat so huu tri tue

4. Vì sao phải đăng kí bảo hộ càng sớm càng tốt?

Sở hữu trí tuệ là vấn đề pháp lý đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. Trước khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu, đăng ký bản quyền, đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp dưới danh nghĩa cá nhân để ngăn chặn việc đánh cắp ý tưởng…

Do vậy, việc đăng ký bảo hộ đối với ý tưởng của mình, dù là dưới hình thức nào, nên được thực hiện càng sớm càng tốt.
Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật năm 2009 quy định về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên như sau:

Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Theo đó, người nào nộp đơn trước thì người đó được ưu tiên cấp văn bằng. Các trường hợp nộp đơn sau thường không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, thậm chí nhiều trường hợp chậm nộp đơn bảo hộ, để cho đối thủ cạnh tranh nộp đơn và xác lập quyền sở hữu trí tuệ trước, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

5. Lần đầu quy định tiền bản quyền từ 01/01/2023

Tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi 2009, 2019 đều không có định nghĩa cụ thể về tiền bản quyền dù đây là thuật ngữ được sử dụng rất thường xuyên trong thực tế.

Do đó, tại Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đã chính thức đưa ra định nghĩa về tiền bản quyền:

Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.

Hiện nay, quy tắc xác định nhuận bút, thù lao… liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đang được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 43 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP như sau:

- Bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;

- Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định dựa trên thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác, sử dụng; và được quy định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định;

- Các đồng chủ sở hữu thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, việc thu, phân chia các quyền lợi vật chất thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền của chủ sở hữu quyền đó có thỏa thuận về việc phân chia các quyền lợi vật chất...

6. Bổ sung thêm thông tin trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả

Nội dung này được sửa đổi, bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022. Cụ thể, Luật sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm một số nội dung trong tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm:

- Thời gian hoàn thành.

- Thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có).

Ngoài ra, nội dung của tờ khai phải bằng tiếng Việt, có thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tóm tắt nội dung; tên tác giả; thời gian, địa điểm và hình thức công bố…

Đồng thời, tờ khai phải do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả… ký tên hoặc điểm chỉ trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để thực hiện việc ký tên hoặc điểm chỉ này. Đây cũng là quy định mới được bổ sung với quy định hiện hành.

7. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả?

Theo khoản 1 Điều 35 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, chỉ Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; thay vì rất nhiều cơ quan có cùng thẩm quyền như trước đây.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện, Điều 41 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP cũng quy định các Giấy chứng nhận trước đó do Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, Cục Bản quyền tác giả cấp vẫn được duy trì hiệu lực.

Thời gian cấp Giấy chứng nhận là 15 ngày làm việc. Riêng với trường hợp cấp đổi, thời gian cấp được rút ngắn, chỉ còn 12 ngày; trường hợp cấp lại, thời gian rút xuống 07 ngày.

Không chỉ vậy, Luật sửa đổi 2022 cũng đã bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ là có thể nộp online qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp qua bưu điện thay vì phải nộp trực tiếp như quy định hiện hành.

luat so huu tri tue

8. Tranh chấp quyền tác giả, quyền liên quan có thể giải quyết bằng trọng tài

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định rõ về điều này tại khoản 3 Điều 49. Theo đó, tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả có thể được giải quyết theo hình thức tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

Như vậy, việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp này tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên trong từng trường hợp cụ thể.

Quy định này tạo ra cơ chế mở, cho phép các bên được lựa chọn tổ chức trọng tài, tạo sự thông thoáng, trao quyền chủ động, tự quyết cho các bên.

9. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị phạt đến 500 triệu đồng

Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính gồm:

- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;

- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

Điều 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250 triệu đồng nếu có hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp; hoặc xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Trên đây là các nội dung nổi bật nhất của Luật Sở hữu trí tuệ, để tra cứu đầy đủ các văn bản pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng có thể truy cập tại đây hoặc gọi điện đến số điện thoại 0938.36.1919 để được hỗ trợ, giải đáp cụ thể, miễn phí.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Xây nhà trổ cửa sổ nhìn thẳng vào nhà người khác, được không?

Nhiều người cho rằng đã là đất của mình thì mình xây thế nào, làm gì trên đất đó cũng được, miễn không xâm phạm phần đất của hàng xóm. Tuy nhiên, chủ sở hữu phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến xây dựng công trình nhà ở, đặc biệt là vấn đề trổ cửa sổ.

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá [mới nhất]

Ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2024/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số thủ tục hành chính. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo Nghị định 78.