Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã được ban hành cách đây gần 10 năm, nhưng đến nay, đây vẫn là luật gốc điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến quyền và nghĩa vụ của bệnh nhân cũng như người hành nghề khám, chữa bệnh.
Vẫn nằm trong tuyến bài tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhất của các luật đang có hiệu lực thi hành và liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, trong bài viết dưới đây, LuatVietnam sẽ chỉ ra một số quy định quan trọng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
1 - Bệnh nhân được quyền giữ bí mật về tình trạng sức khỏe
Một trong những quyền của bệnh nhân được Luật này ghi nhận là quyền được tôn trọng bí mật riêng tư (Điều 8). Cụ thể, bệnh nhân được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
Các thông tin trên chỉ được phép công bố khi bệnh nhân đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân giữa những bác sĩ trong nhóm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Đáng chú ý, theo Điều 12 của Luật, bệnh nhân được quyền từ chối thực hiện các xét nghiệm hoặc sử dụng thuốc, áp dụng các thủ thuật và phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản. Riêng trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A và mắc bệnh tâm thần thì không được phép từ chối điều trị.
Bệnh nhân có quyền giữ bí mật về tình trạng sức khỏe (Ảnh minh họa)
2 - Hai trường hợp bác sĩ được từ chối khám, chữa bệnh
Thực hiện khám, chữa bệnh cho bệnh nhân là trách nhiệm của mọi bác sĩ. Nhưng theo Điều 32 của Luật, trong một số trường hợp bác sĩ được từ chối khám, chữa bệnh, như:
- Được từ chối khi tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình.
Trong trường hợp này, bác sĩ vẫn phải thực hiện sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho đến khi bệnh nhân được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác;
- Được từ chối khi việc khám, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Hiện nay, “Quy định về y đức” với 12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 2088/QĐ-BYT.
3 - Giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới nhất hiện nay
Luật Khám bệnh, chữa bệnh không quy định chi tiết về khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh mà giao Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định (Điều 83).
Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được áp dụng theo Thông tư 15/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/07/2018. Trong đó, giá khám bệnh tối đa dao động từ 23.300 đồng - 33.100 đồng tùy từng hạng bệnh viện; Giá dịch vụ giường bệnh Hồi sức cấp cứu dao động từ 221.200 đồng - 401.300 đồng, tùy từng hạng bệnh viện.
Xem thêm: Bảng giá những dịch vụ y tế cơ bản áp dụng từ 15/7/2018
Còn với dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, khung giá sẽ được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/06/2017. Trong đó, giá khám bệnh tối đa tại các bệnh viện dao động từ 29.000 đồng - 39.000 đồng…
Giá khám chữa bệnh hiện nay bao gồm giá có BHYT và không có BHYT (Ảnh minh họa)
4 - Có sai sót trong khám, chữa bệnh, bệnh viện bồi thường thế nào?
Nội dung này được đề cập tại Điều 76 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, nếu có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho bệnh nhân, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm, nếu bệnh viện đã mua bảo hiểm trách nhiệm.
Nếu bệnh viện chưa mua bảo hiểm trách nhiệm thì phải tự bồi thường thiệt hại theo quy định hiện hành của pháp luật.
Ngoài việc bồi thường, bệnh viện và y bác sĩ có sai sót trong chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho bệnh nhân cũng phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc Vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự 2015…
Tuy nhiên, bệnh viện và y bác sĩ có thể được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng bệnh nhân vẫn xảy ra tai biến.
Xem thêm: Trao nhầm con, bệnh viện phải bồi thường thế nào?
5 - Phẫu thuật phải hỏi ý kiến bệnh nhân hoặc người nhà
Theo Điều 61 của Luật, mọi trường hợp phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa đều phải được sự đồng ý của bệnh nhân hoặc đại diện của bệnh nhân.
Trong trường hợp không thể hỏi ý kiến của bệnh nhân hoặc người đại diện của bệnh nhân và nếu không thực hiện phẫu thuật sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân thì người đứng đầu bệnh viện sẽ quyết định tiến hành phẫu thuật hoặc can thiệp ngoại khoa.
Đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất không yêu cầu phải hỏi ý kiến của bệnh nhân và người đại diện trước khi tiến hành phẫu thuật, nhằm kịp thời cứu chữa bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Trước khi phẫu thuật phải hỏi ý kiến bệnh nhân hoặc người nhà (Ảnh minh họa)
6 - Trách nhiệm của bệnh viện khi bệnh nhân tử vong
Nội dung này được quy định tại Điều 65. Theo đó, trong trường hợp bệnh nhân không thể qua khỏi và tử vong, bệnh viện có trách nhiệm cấp giấy chứng tử. Giấy chứng tử là văn bản để người nhà bệnh nhân làm thủ tục khai tử theo quy định.
Trường hợp bệnh nhân tử vong trước khi đến bệnh viện thì bệnh viện thông báo cho người nhà để tổ chức mai táng.
Trong trường hợp bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, bệnh viên thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm người nhà của bệnh nhân.
7 - Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân bị phạt đến 30 triệu
Điều 6 của Luật này đề ra 16 hành vi bị cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh trong đó có hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ.
Cụ thể hóa cho quy định này, điểm b khoản 4 Điều 28 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng – 30 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt nêu trên có thể áp dụng đối với cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi đưa hối lộ cho bác sĩ hoặc bác sĩ nhận hối lộ của bệnh nhân.
Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi đưa, nhận hối lộ trong khám, chữa bệnh có thể bị truy cứu về tội Nhận hối hộ, tội Đưa hối lộ… theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Bác sĩ nhận phong bì có thể bị coi là hành vi nhận hối lộ (Ảnh minh họa)
8 - Xúc phạm danh dự của bác sĩ, phạt đến 2 triệu đồng
Mục 2 Chương II của Luật quy định khá cụ thể về các nghĩa vụ của bệnh nhân. Một trong những nghĩa vụ đó là tôn trọng người hành nghề. Cụ thể, Điều 14 quy định, bệnh nhân phải tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của y bác sĩ và nhân viên y tế.
Theo Điều 36 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của bác sĩ trong khi đang khám, chữa bệnh sẽ bị phạt từ 01 - 02 triệu đồng; nếu gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của bác sĩ sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng… Đồng thời, bệnh nhân có các hành vi này còn buộc phải xin lỗi trực tiếp bác sĩ…
Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về những nội dung đáng chú ý của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Quý khách hàng quan tâm đến các văn bản liên quan đến lĩnh vực y tế - sức khỏe có thể tra cứu tại đây.
Xem thêm:
Luật Bảo hiểm y tế: Những thông tin đáng quan tâm nhất năm 2018
LuatVietnam