Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có gì đáng chú ý?

Từ năm 2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có hiệu lực. Đây là tín hiệu vui đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tạo động lực cho doanh nghiệp này phát triển.

Dưới đây là một số nội dung nổi bật của Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 mà các doanh nghiệp cần quan tâm:

1. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 20 người và có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp).

Nội dung này đã được hướng dẫn chi tiết tại Chương II Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

2. Doanh nghiệp do nữ làm chủ được ưu tiên hỗ trợ

Đây là một trong những nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì doanh nghiệp có nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ.

3. Được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn

Bên cạnh việc được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp còn được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thông thường - theo Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ còn được áp dụng các thủ tục hành chính về thuế và chế độ kế toán đơn giản (Xem thêm các ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ tại đây).

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có gì đáng chú ý?

Tổng quan điểm mới của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 (Ảnh minh họa)

4. Được thuê mặt bằng “giá mềm” trong 05 năm

Luật yêu cầu các địa phương hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn với thời gian hỗ trợ là 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng dất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.

5. Được miễn, giảm chi phí đào tạo về quản trị doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo hướng dẫn của Điều 14 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, ngân sách nhà nước hỗ trợ ít nhất 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Miễn chi phí đào tạo trình độ sơ cấp hoặc khóa đào tạo dưới 03 tháng cho người lao động của các doanh nghiệp này.

6. Nhiều ưu đãi với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ, như:

- Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; Miễn lệ phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

- Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai…

Để được hưởng hỗ trợ, hộ kinh doanh phải đáp ứng điều kiện: Có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

7. Ưu tiên riêng với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật…

- Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ;

- Hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo;

- Hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ.

Để được hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải đáp ứng 2 điều kiện:

- Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

- Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

Xem thêm:

10 điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014

Luật doanh nghiệp 2018: 7 lợi thế khi thành lập doanh nghiệp trong năm 2018

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục