Luật Đầu tư: Tổng hợp nội dung đáng chú ý mới nhất

Luật Đầu tư mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, thay thế Luật Đầu tư 2004 với nhiều thay đổi đáng kể, có tác động tích cực đến đời sống nói chung cũng như hoạt động đầu tư nói riêng. Dưới đây là 8 điểm nổi bật mà nhà đầu tư cần phải biết trong năm 2019.

1. 7 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm

Nếu như trước đây, Luật Đầu tư 2005 chỉ quy định chung chung về 04 dự án cấm đầu tư (gồm các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, di tích lịch sử, sức khỏe nhân dân...), thì theo Luật Đầu tư 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14), hiện có 07 hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm, bao gồm:

- Kinh doanh các chất ma túy;

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

- Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ.

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong năm 2019 (Ảnh minh họa)

2. 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Một nội dung đáng chú ý khác của Luật Đầu tư 2014 là quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, theo Điều 7 Luật Đầu tư 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư 2014, có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó đáng chú ý là các ngành, nghề như: Kinh doanh bảo hiểm; Hành nghề luật sư; Kinh doanh dịch vụ cầm đồ; Kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh xổ số; Kinh doanh rượu; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; Kinh doanh bất động sản…

Cá nhân, tổ chức kinh tế chỉ được kinh doanh các ngành nghề nêu trên khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trong đó, điều kiện đầu tư kinh doanh có thể được áp dụng theo một hoặc một số hình thức như: Giấy phép; Chứng chỉ hành nghề; Giấy chứng nhận đủ điều kiện; Văn bản xác nhận; Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp…

Xem thêm: Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

     Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề có điều kiện

3. Miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định

Theo Điều 15 Luật Đầu tư 2014, có 03 hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư chính, gồm:

- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;

- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

4. Dự án có vốn từ 6.000 tỷ được hưởng ưu đãi đầu tư

Để được hưởng các ưu đãi đầu tư như trên, doanh nghiệp, dự án đầu tư phải đảm bảo một trong các điều kiện sau (Điều 16 Nghị định 118/2015/NĐ-CP):

- Dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư;

- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng);

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

Xem thêm: Nhiều ưu đãi với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư

     Ưu đãi 5% tài chính với nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

5. Bỏ hình thức đầu tư phát triển kinh doanh

Các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 (Ảnh minh họa)


Theo Luật Đầu tư 2014, có các hình thức đầu tư sau: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; Đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP); Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).

Như vậy Luật Đầu tư mới đã bỏ một số hình thức đầu tư như: Đầu tư phát triển kinh doanh; Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp... Đồng thời, bổ sung thêm hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP.

Với hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ ký kết hợp đồng PPP với cơ quan Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công.

Hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP được khuyến khích trong các lĩnh vực như: Giao thông vận tải; Trụ sở cơ quan Nhà nước; Nhà ở công vụ; Nhà ở xã hội; Nhà ở tái định cư; Y tế; Giáo dục, đào tạo, dạy nghề; Hạ tầng thương mại; Hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… (Điều 4 Nghị định 63/2018/NĐ-CP)

6. Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn 15 ngày

Theo khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư 2014, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư;

Đối với các dự án khác là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ.

Thêm vào đó theo khoản 3 Điều 40 của Luật này, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ.

Như vậy, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được Luật Đầu tư 2014 rút ngắn đáng kể so với Luật Đầu tư 2005.

Xem thêm: Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng

7. Bỏ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước

Trước đây, Luật Đầu tư 2005 quy định dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn từ 15 tỷ trở lên hoặc dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì phải xin Giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện nay, Luật Đầu tư mới nhất 2014 bỏ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước, dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Do đó, nhà đầu tư trong nước chỉ cần hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi có dự án muốn thực hiện ở Việt Nam thì sẽ phải làm hai thủ tục:

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp để xác định tư cách pháp nhân.

Bỏ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước (Ảnh minh họa)

8. Mức ký quỹ bảo đảm dự án đầu tư tối đa 3%

Nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, không phải mọi dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều phải thực hiện ký quỹ trừ một số trường hợp theo quy định tại Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Theo khoản 2 Điều 42 Luật Đầu tư 2014, mức ký quỹ được tính dựa trên vốn đầu tư được ghi nhận tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần:

- Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;

- Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;

- Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

Xem thêm: Mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 1%-3%

9. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tối đa 70 năm

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (Ảnh minh họa)

Theo Điều 43 Luật đầu tư 2014, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư như sau:

- Dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.

- Dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm.

- Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Tuy nhiên, trong thực tế tùy theo quy mô và ngành nghề mà cơ quan quản lý đầu tư đưa ra thời hạn cụ thể cho phép đăng ký. Khi hết thời hạn này nếu nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án thì sẽ được xem xét gia hạn thêm thời hạn thực hiện dự án.

Xem thêm: Dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về 9 điểm đáng chú ý của Luật Đầu tư 2014. Hệ thống của LuatVietnam đã cập nhật các văn bản liên quan mới nhất trong lĩnh vực ĐẦU TƯ, quý khách hàng có thể tham khảo thêm.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục