Luật Đầu tư công 2019 và những nội dung mới, nổi bật nhất

Luật Đầu tư công 2019 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về những nội dung mới, nổi bật nhất của Luật này.

1. Thống nhất định nghĩa về “Vốn đầu tư công”

Khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công 2019 quy định, vốn đầu tư công là vốn ngân sách Nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luât.

So với quy định trước đây tại Luật Đầu tư công 2014, định nghĩa về vốn đầu tư đã được thu hẹp hơn, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia, tín dụng đầu tư…


2. Có 6 đối tượng đầu tư công từ năm 2020

Luật dành riêng một Điều (Điều 5) quy định về đối tượng đầu tư công – vấn đề không hề được quy định tại Luật Đầu tư công 2014 trước đây.

Cụ thể, có 06 đối tượng đầu tư công, gồm:

- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;

- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội;

- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư;

- Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy định;

- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác.


3. Phân cấp thẩm định nguồn vốn của chương trình, dự án

Một điểm mới đáng chú ý của Luật này là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án một cách rõ ràng tại Điều 33. Đây được coi là một nội dung trong thẩm định chủ trương đầu tư.

Trong đó, vai trò thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thuộc về: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.


4. Thay đổi thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công

Theo khoản 1 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau (trước đây là đến hết ngày 31 tháng 12).

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau (trước đây chỉ quy định chung chung là đến năm sau). Trong trường hợp bất khả kháng, thời gian này có thể sẽ được kéo dài đến ngày 31 tháng 12 năm sau.


5. Thêm yêu cầu với tổ chức, cá nhân liên quan quyết định chủ trương đầu tư

Khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công 2019 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó.

Đây là quy định mới được bổ sung vào Luật năm 2019 mà Luật năm 2014 không đề cập đến.


6. Chỉ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước năm 2015

Vốn kế hoạch đầu tư công sẽ chỉ được bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 - quy định này được nêu tại khoản 4 Điều 101 của Luật.

Đồng thời, khoản 5 cũng chỉ rõ, đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật năm 2018.

Trên đây là tổng hợp những điểm mới của Luật Đầu tư công 2019. Để xem toàn văn Luật này, quý khách hàng bấm tại đây.

Lan Vũ

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục