Luật Công chứng: 8 điểm đáng chú ý nhất

Việc công chứng góp phần bảo đảm tính an toàn pháp lý trong các giao dịch, do đó hoạt động công chứng ngày một phát triển. Với sự ra đời của Luật Công chứng 2014 một lần nữa thúc đẩy các hoạt động này. Dưới đây là tổng hợp những điểm đáng chú ý nhất năm 2018 của Luật này:


1. Công chứng là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng được định nghĩa như sau:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Rất nhiều người thường lầm tưởng công chứng, chứng thực là một, tuy nhiên 02 khái niệm này lại khác nhau. Sở dĩ chúng thường được gọi chung là bởi công chứng, chứng thực được xếp vào nhóm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản, hợp đồng…

Để phân biệt công chứng và chứng thực xem chi tiết tại đây.

Công chứng là gì? (Ảnh minh họa)

2. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng, cụ thể:

- Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

- Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

Như vậy, văn bản công chứng là một chứng cứ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, phòng ngừa tranh chấp, là bằng chứng xác thực, có giá trị sử dụng như bản gốc.

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng (Ảnh minh họa)

3. Thủ tục công chứng giấy tờ

Căn cứ Điều 40 Luật Công chứng 2014, thủ tục công chứng được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng

Người có yêu cầu công chứng trình bày nội dung cần công chứng và hồ sơ tài liệu cần công chứng với Công chứng viên hoặc chuyên viên văn phòng công chứng.

Bước 2: Kiểm tra số lượng và tính pháp lý giấy tờ trong hồ sơ

Trường hợp 1: Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và các bên tham gia giao dịch đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật thì thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Người tiếp nhận hồ sơ thông báo cho khách hàng phí công chứng, thù lao công chứng để khách hàng biết và thoả thuận trước khi thực hiện các công việc nghiệp vụ.

Trường hợp 2: Trường hợp hồ sơ thiếu, người tiếp nhận thông báo các giấy tờ cần hoàn thiện.

Trường hợp 3: Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết thì từ chối tiếp nhận và giải thích lý do.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu công chứng

Bước 4: Ghi lời chứng và ký

Người có yêu cầu đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Bước 5: Thu phí, đóng dấu và trả kết quả cho khách hàng

Thư ký viết thông báo phí công chứng và thù lao công chứng. Khi nhận được phí và thù lao, kế toán viết phiếu và chuyển cho khách hàng.

Văn thư ghi số công chứng, đóng dấu hồ sơ công chứng, trả hồ sơ đã được công chứng cho khách hàng.

Thời hạn công chứng:  Không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Thủ tục công chức giấy tờ (Ảnh minh họa)

4. Mức thu và cách tính phí công chứng mua bán nhà đất

Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC, mức thu và cách tính phí công chứng mua bán nhà, đất được tính trên giá trị chuyển nhượng, cụ thể:

STT

Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

Mức thu

(đồng/trường hợp)

1

Dưới 50 triệu đồng

50 nghìn

2

Từ 50 - 100 triệu đồng

100 nghìn

3

Từ trên 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng

0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

4

Từ trên 01 - 03 tỷ đồng

01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng

5

Từ trên 03 - 05 tỷ đồng

2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng

6

Từ trên 05 - 10 tỷ đồng

3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng

7

Từ trên 10 - 100 tỷ đồng

5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng.

8

Trên 100 tỷ đồng

32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).

Lưu ý: Đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà giá do các bên thoả thuận thấp hơn mức giá do nhà nước quy định, thì giá trị hợp đồng tính phí công chứng được tính theo công thức sau:

Giá trị nhà, đất tính phí công chứng

=

Diện tích đất ghi trong hợp đồng

x

Giá đất do Nhà nước quy định

Ví dụ: Anh A và B thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích là 100m2, với giá 01 tỷ đồng. Bảng giá đất theo quy định Nhà nước là 20 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị tính phí công chứng được tính như sau:

- Giá trị chuyển nhượng tính phí công chứng = 100m2 x 20 triệu đồng = 2 tỷ.

- Phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng = 1 triệu + 600 nghìn đồng (0.06 x 1 tỷ/100).

5. Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng

Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, công chứng hợp đồng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng đó.

Trong một số trường hợp cụ thể, việc công chứng hợp đồng có ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng. Dưới đây là một số loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng:

- Hợp đồng mua bán nhà ở

Trừ trường hợp mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư.

Căn cứ: Điều 122 Luật Nhà ở 2014 Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015

- Hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản

Trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Căn cứ: Điều 122 Luật Nhà ở 2014 và Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015

- Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

Trừ trường hợp: Góp vốn bằng nhà ở bởi một bên là tổ chức.

Căn cứ: Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014

- Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Căn cứ: Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở

Căn cứ: Khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014; Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ

Căn cứ: Khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015

- Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài

Phải được dịch ra Tiếng Việt và có công chứng, chứng thực.

Căn cứ: Khoản 5 Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015

- Văn bản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất  

Căn cứ: Khoản 3 Điều 122 Luật nhà ở 2014 và Điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

Xem thêm: Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng năm 2018.

6. Điều kiện để trở thành công chứng viên

Theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014, để trở thành công chứng viên người đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Bắt buộc là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

- Có bằng cử nhân Luật;

- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;

- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Đáng chú ý, Luật Công chứng 2014 đã siết chặt hơn điều kiện trở thành công chứng viên, kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng lên thành 12 tháng thay vì 06 tháng như quy định tại Luật Công chứng 2006 trước đây.

Xem cụ thể điều kiện để trở thành công chứng viên tại đây.

7. Khi nào được phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng?

Điều kiện chuyển nhượng Văn phòng công chứng (Ảnh minh họa)

Điều 29 Luật Công chứng 2014 nêu rõ, văn phòng công chứng đã hoạt động từ 02 năm trở lên, nếu có nhu cầu có thể chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;

- Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;

- Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.

Như vậy, chỉ được phép chuyển nhượng văn phòng công chứng khi đã hoạt động được tối thiểu 02 năm.

Xem thêm: Cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng

8. Vi phạm quy định về công chứng phạt tới 60 triệu đồng

Luật Công chứng 2014 nhấn mạnh trường hợp công chứng viên vi phạm quy định về công chứng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Đối với tổ chức hành nghề công chứng vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 triệu đồng - 60 triệu đồng đối với tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào  (khoản 6 Điều 15 Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP)

Một số vi phạm thường gặp và mức xử phạt cần biết, cụ thể:

- Không niêm yết phí công chứng, thù lao công chứng và nguyên tắc tính chi phí khác tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng phạt tiền từ 01- 02 triệu đồng;

- Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí cao hơn mức chi phí đã thỏa thuận phạt từ 03 - 07 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi làm giả quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng, giấy đăng ký hoạt động...

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; hủy bỏ giấy tờ giả đã tạo.

Trên đây là một số điểm nổi bật của Luật Công chứng 2014 trong năm 2018, để tham khảo chi tiết các quy định liên quan Quý khách xem thêm tại đây.

Xem thêm:

Phân biệt vi bằng và văn bản công chứng

Sửa chữa sai sót trong giấy tờ công chứng thế nào?

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục