9 nội dung quan trọng nhất của Luật Chứng khoán

Luật Chứng khoán 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 là văn bản pháp luật mới nhất hiện nay quy định về hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Dưới đây, LuatVietnam đã tổng hợp những thông tin hữu ích nhất của Luật này như sau:


1. Chứng khoán là gì?

Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán 2010 định nghĩa chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:

- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

- Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;

- Hợp đồng góp vốn đầu tư;

- Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định.

9 nội dung quan trọng nhất của Luật Chứng khoán

Chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu… (Ảnh minh họa)


2. Một người chỉ được mở 01 tài khoản tại mỗi công ty chứng khoán

Khoản 3 Điều 6 Thông tư 203/2015/TT-BTC quy định mỗi nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản giao dịch tại mỗi công ty chứng khoán. Tuy nhiên, pháp luật không khống chế số lượng tài khoản cá nhân có thể đăng ký tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau nên một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản chứng khoán ở nhiều công ty.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác nhau thì trong hồ sơ mở tài khoản tại công ty chứng khoán mới phải ghi rõ số lượng tài khoản đã mở và mã số tài khoản tại các công ty trứng khoán trước đó.

Khoản 1 Điều 28 Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán đối với nhà đầu tư. Cá nhân buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên.
 

3. Chiếm dụng chứng khoán của khách hàng, phạt đến 300 triệu đồng

Mức xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Nghị định 108/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 145/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng.

9 nội dung quan trọng nhất của Luật Chứng khoán

Chiếm dụng chứng khoán của khách hàng, phạt đến 300 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Bên cạnh việc đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ chứng khoán, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong thời hạn từ 01 - 03 tháng, khoản 6 Điều 26 Nghị định 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

- Lạm dụng, chiếm dụng chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng hoặc tạm giữ chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán;

- Cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng;

- Sử dụng chứng khoán của khách hàng để cầm cố;

- Sử dụng tài khoản hoặc tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi chưa được công ty chứng khoán ủy quyền theo sự ủy thác của khách hàng cho công ty chứng khoán bằng văn bản;

- Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán hoặc cho khách hàng vay chứng khoán, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.


4. Cá nhân nào được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán?

Có 03 loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm: Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Tại Điều 79 Luật Chứng khoán 2006 và Điều 21 Nghị định 86/2016/NĐ-CP thì Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán được cấp cho cá nhân khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;

- Có trình độ từ đại học trở lên;

- Có các Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán bao gồm chứng chỉ: Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, phân tích và đầu tư chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán;

- Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại Chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp.

Các trường hợp sau được miễn Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán:

- Cá nhân có Chứng chỉ quốc tế CIIA hoặc Giấy xác nhận đã đạt kỳ thi quốc tế CFA bậc II trở lên được miễn Chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán, Chứng chỉ phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp;

- Cá nhân có Chứng chỉ quốc tế ACCA, CPA hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên, Chứng chỉ hành nghề kế toán do Bộ Tài chính cấp hoặc Giấy xác nhận đã đạt kỳ thi quốc tế CFA bậc I, CIIA bậc I được miễn Chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Chứng chỉ phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp;

- Cá nhân có Chứng chỉ hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương chứng minh cá nhân đó đang được phép hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài được miễn tất cả Chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán.

9 nội dung quan trọng nhất của Luật Chứng khoán

Cá nhân nào được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán? (Ảnh minh họa)


5. 4 trường hợp không phải đăng ký chào bán chứng khoán

Chứng khoán chào bán ra công chúng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ghi bằng đồng Việt Nam. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán lần đầu ra công chúng là 10.000 đồng. Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100.000 đồng và bội số của 100.000 đồng.

Về nguyên tắc, tổ chức phát hành thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, 04 trường hợp sau không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2006:

- Chào bán trái phiếu của Chính phủ Việt Nam;

- Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận;

- Chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần;

- Việc bán chứng khoán theo bản án, quyết định của Toà án hoặc việc bán chứng khoán của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong các trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.


6. Thủ tục thành lập công ty chứng khoán

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán:

Điều 63 Luật Chứng khoán 2006 và Khoản 1 Điều 4 Thông tư 210/2012/TT-BTC quy định hồ sơ bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động (theo mẫu quy định);

- Bản thuyết minh cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (theo mẫu quy định) kèm theo tài liệu chứng minh quyền sử dụng trụ sở;

- Biên bản họp và quyết định của cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập về việc thành lập công ty chứng khoán. Quyết định phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: Tên công ty, nghiệp vụ kinh doanh; Vốn điều lệ, cơ cấu sở hữu; Thông qua dự thảo điều lệ công ty, phương án kinh doanh; Người đại diện cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập thực hiện thủ tục thành lập công ty chứng khoán.

- Danh sách dự kiến Giám đốc (Tổng Giám đốc) và người hành nghề chứng khoán (theo mẫu quy định) kèm theo bản sao hợp lệ Chứng chỉ hành nghề chứng khoán; Bản thông tin cá nhân của Giám đốc (Tổng Giám đốc) (theo mẫu quy định);

- Danh sách và tỷ lệ sở hữu của các cổ đông, thành viên tham gia góp vốn (theo mẫu quy định);

- Danh sách dự kiến thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát (nếu có) kèm theo bản sao hợp lệ CMND hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực, phiếu lý lịch tư pháp và bản thông tin cá nhân (theo mẫu quy định);

Bên cạnh đó, tổ chức còn phải nộp: Dự thảo Điều lệ công ty đã được các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập công ty chứng khoán thông qua; Phương án hoạt động kinh doanh trong 03 năm đầu phù hợp với nghiệp vụ kinh doanh đề nghị cấp phép (theo mẫu quy định) kèm theo các quy trình nghiệp vụ, quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản trị rủi ro…

9 nội dung quan trọng nhất của Luật Chứng khoán

Thủ tục thành lập công ty chứng khoán (Ảnh minh họa)


Số lượng, địa điểm nộp hồ sơ:

Hồ sơ được lập thành 01 bản gốc kèm theo tệp thông tin điện tử. Bộ hồ sơ gốc được nộp trực tiếp tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc gửi qua đường bưu điện.

Thời gian giải quyết hồ sơ:

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được xác nhận phong tỏa vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 210/2012/TT-BTC và kết quả kiểm tra cơ sở vật chất trụ sở công ty và các tài liệu hợp lệ khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán.


7. Công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được thành lập 01 chi nhánh tại Việt Nam

Điều 10 Nghị định 86/2016/NĐ-CP quy định, công ty chứng khoán nước ngoài chỉ được thành lập một chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Đang hoạt động hợp pháp; được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán dự kiến đăng ký cho chi nhánh tại Việt Nam; cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành chứng khoán ở nước nguyên xứ đã ký các hoạt động hợp tác song phương hoặc đa phương với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam về trao đổi thông tin, hợp tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán;

- Thời hạn hoạt động của công ty chứng khoán nước ngoài trên giấy phép (nếu có) phải còn ít nhất là 05 năm;

- Có quy trình quản lý rủi ro, quy trình tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phù hợp với pháp luật Việt Nam;

- Không phải là cổ đông, thành viên góp vốn hoặc cùng với người có liên quan sở hữu trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền, ủy thác đầu tư sở hữu trên 5% vốn điều lệ của một công ty chứng khoán tại Việt Nam;

- Được cấp có thẩm quyền trong công ty chứng khoán nước ngoài phê duyệt về việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam;…


8. Các loại báo cáo công ty chứng khoán phải nộp trong năm

Điều 129 Luật Chứng khoán 2006 quy định công ty chứng khoán báo cáo không đúng thời gian, mẫu biểu theo quy định… thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền và buộc chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ báo cáo.

Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Thông tư 07/2016/TT-BTC, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo định kỳ bằng tệp dữ liệu điện tử cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo các thời hạn và quy định như sau:

 

STT

Loại Báo cáo

Thời gian nộp

Ghi chú

Mẫu Báo cáo

Báo cáo định kỳ

1

Báo cáo tình hình hoạt động tháng

Trước ngày làm việc thứ 05 của tháng tiếp theo

 

Mẫu tại đây

2

Báo cáo tài chính quý

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý

Trường hợp phải lập báo cáo tài chính quý hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý

 

3

Báo cáo tài chính bán niên và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 30/06 đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính

Trường hợp phải lập báo cáo tài chính bán niên hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính

 

4

Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của công ty trong năm

Trước ngày 20/01 của năm tiếp theo

 

Mẫu tại đây

5

Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/12 đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán được chấp thuận

Trước ngày 31/03 của năm tiếp theo

Trường hợp phải lập báo cáo tài chính năm hợp nhất, công ty chứng khoán phải gửi báo cáo trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

 

Báo cáo đột xuất

1

Khi vay, đầu tư vượt quá hạn mức quy định tại Điều 42 và Điều 44 Thông tư này

Trong thời hạn 03 ngày làm việc

 

 

2

Ngày trụ sở chính công ty chứng khoán, chi nhánh, phòng giao dịch khai trương hoạt động

Trong thời hạn 03 ngày làm việc

 

 

Báo cáo theo yêu cầu

1

Trường hợp cần thiết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu công ty chứng khoán báo cáo bằng văn bản

Trong yêu cầu sẽ nêu rõ nội dung và thời hạn báo cáo

 

 


9. Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động công ty tư vấn đầu tư chứng khoán là 20 triệu đồng

Phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán thu bằng đồng Việt Nam. Tổ chức thu phí, lệ phí là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể, biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Thông tư 272/2016/TT-BTC như sau:

- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động công ty chứng khoán:

+ Môi giới: 20 triệu đồng/giấy phép;

+ Tự doanh: 60 triệu đồng/giấy phép;

+ Bảo lãnh phát hành: 100 triệu đồng/giấy phép;

+ Tư vấn đầu tư chứng khoán: 20 triệu đồng/giấy phép.

- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam: 20 triệu đồng/giấy phép.

- Lệ phí cấp lại, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; bao gồm cả trường hợp công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thành lập sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi; cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh: 02 triệu đồng/lần cấp.

- Phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch; phí quản lý quỹ mở: 10 triệu đồng/năm/công ty, quỹ …

Trên đây là những điểm đáng chú ý về các quy định về Luật Chứng khoán, quý khách hàng có thể tìm hiểu thêm quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực CHỨNG KHOÁN tại đây.


Xem thêm:

101 thủ tục chứng khoán được sửa đổi, ban hành mới

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Nhiều người đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, khi về Việt Nam thắc mắc có phải làm thủ tục đăng ký lại không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cụ thể giải đáp vấn đề: Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Khi nào người tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự?

Khi nào người tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự?

Khi nào người tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự?

Rất nhiều vụ án mạng thương tâm xảy ra và nguyên nhân xuất phát từ những người mắc bệnh tâm thần. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hình sự, mắc bệnh tâm thần là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tâm thần cũng “thoát tội”.