“Xóa sổ” chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C, còn chứng chỉ nào được công nhận?

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ra Thông tư 20/2019 gây xôn xao dư luận khi chính thức bỏ quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C từ ngày 15/01/2020. Vậy từ thời điểm này, loại chứng chỉ ngoại ngữ nào được công nhận?

1 - Vẫn công nhận chứng chỉ ngoại A, B, C đã cấp

Tại Điều 2 của Thông tư 20, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định:

Các chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên được quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT (chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C) đã cấp vẫn còn giá trị sử dụng;

Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đang triển khai trước ngày 15/01/2020 vẫn được tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Như vậy, tuy rằng Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức “xóa sổ” chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C nhưng  điều đó không có nghĩa kể từ ngày 15/01/2020 mọi chứng chỉ A, B, C đều bị “khai tử”. Thực tế, theo quy định nêu trên, Bộ vẫn công nhận giá trị của các chứng chỉ A, B, C đã cấp trước đây và đang được cấp theo các chương trình đào tạo còn dang dở.

“Xóa sổ” chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C, còn chứng chỉ nào được công nhận?

“Xóa sổ” chứng chỉ A, B, C, chứng chỉ ngoại ngữ nào được công nhận? (Ảnh minh họa)

2 - Công nhận chứng chỉ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc

Khi quy định về chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đã được bãi bỏ, việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được thực hiện thống nhất theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT.

Bậc 1: Có thể hiểu, sử dụng cấp trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản; có thể giới thiệu bản thân và người khác; giao tiếp đơn giản…

Bậc 2: Có thể hiểu các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên; có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hàng ngày; Mô tả đơn giản về bản thân và môi trường xung quanh…

Bậc 3: Có thể hiểu được ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mức; Xử lý được hầu hết tình huống xảy ra…

Bậc 4: Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, giao tiếp trôi chảy với người bản ngữ…

Bậc 5: Có thể hiểu và nhận biết được hàm ý của các văn bản dài với phạm vi rộng; diễn đạt trôi chảy, tức thì, không gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ diễn đạt…

Bậc 6: Có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp…

Theo Danh sách công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 9 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế; Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; Trường ĐH Hà Nội; ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Cần Thơ; Trường ĐH Vinh.

Ở một diễn biến khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg về Chương trình học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% cán bộ, công chức ở Trung ương, 25% cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, huyện; 60% viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; 20% cán bộ, công chức xã đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên…

>> Hướng dẫn quy đổi điểm TOEIC, TOEFL, IELST sang Khung 6 bậc

Lan Vũ

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục