Từ 01/7/2021, có bắt buộc nhập khẩu với chồng sau khi cưới?

Thông thường sau khi đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới, vợ thường làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà chồng. Tuy nhiên, điều này có bắt buộc không?

Vợ không bắt buộc phải nhập hộ khẩu theo chồng

Sau khi hai người nam, nữ xác lập quan hệ vợ, chồng thì phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Một trong số đó là nghĩa vụ sống chung với nhau. Cụ thể, khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nêu rõ:

Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Tuy nhiên, Điều 20 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 lại quy định:

Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.

Bên cạnh đó, Điều 43 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:

- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.

Đồng thời, Điều 14 của Luật Cư trú 2020 cũng quy định về nơi cư trú của vợ, chồng như sau:

- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống;

- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan (quy định cũ tại khoản 2 Điều 15 Luật Cư trú năm 2006 là vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận).

Đặc biệt, dù ở hai nơi khác nhau nhưng vợ, chồng vẫn phải đáp ứng và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng theo quy định tại Chương III, Mục 1 Luật Hôn nhân và Gia đình như:

- Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng;

- Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng;

- Tình nghĩa vợ chồng: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…

Không chỉ vậy, điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Cư trú 2020 quy định vợ về ở với chồng là trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình và sẽ được nhập hộ khẩu vào nhà chồng nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý

Trong khi đó, quy định cũ tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi 2013 đang quy định, người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình.

Căn cứ các quy định trên, pháp luật cho phép vợ được nhập hộ khẩu vào nhà chồng nếu có nhu cầu mà không phải là yêu cầu bắt buộc. Trường hợp không nhập hộ khẩu vào nhà chồng thì cũng không bị coi là hành vi vi phạm và không phải chịu chế tài xử phạt.

Tuy nhiên trên thực tế, nếu hai vợ chồng có cùng nơi cư trú ở nhà chồng thì nên làm thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng nhằm giúp cơ quan Nhà nước theo dõi thực trạng biến động về hộ tịch, từ đó bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và hộ gia đình.

Như vậy, có thể khẳng định, sau khi quan hệ hôn nhân của nam, nữ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì thông thường, vợ, chồng phải có nghĩa vụ chung sống với nhau. Tuy nhiên, đây cũng không phải quy định bắt buộc. Nếu hai vợ, chồng có thỏa thuận thì có thể ở hai nơi khác nhau.

nhập khẩu với chồng sau khi kết hôn

Lấy chồng không bắt buộc phải nhập hộ khẩu theo chồng (Ảnh minh họa)

Thủ tục nhập hộ khẩu theo chồng như thế nào?

Trước ngày 01/7/2021, thủ tục nhập khẩu về nhà chồng của vợ được thực hiện theo Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi 2013. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021 trở đi, thủ tục này sẽ thực hiện theo Luật Cư trú năm 2020.

Điều kiện nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng

Trường hợp vợ về ở với chồng thì thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu củ mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Hồ sơ đăng ký thường trú

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình (Đăng ký kết hôn), trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

Cơ quan thực hiện

Cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú

Thời gian thực hiện

- 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Nếu từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký thường trú từ 01/7/2021 từ A đến Z

Trên đây là quy định về việc có bắt buộc vợ phải nhập khẩu với chồng sau khi kết hôn. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.

>> Những điểm mới của Luật Cư trú ảnh hưởng đến mọi người dân

>> Xem các Video về Hôn nhân và gia đình tại đây

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Hướng dẫn thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025

Bài viết hướng dẫn đầy đủ thủ tục miễn kiểm định ô tô lần đầu từ 01/01/2025. Theo đó, cơ sở đăng kiểm sẽ lập hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mà chủ xe không phải đưa xe đến cơ sở đăng kiểm để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.