Làm giả hồ sơ dự thầu bị xử lý thế nào?

Hồ sơ dự thầu là một trong những giấy tờ quan trọng trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, hiện nay, có không ít trường hợp làm giả hồ sơ dự thầu để được trúng thầu. Vậy trường hợp này sẽ bị xử lý thế nào?

1. Hồ sơ dự thầu gồm những giấy tờ gì?

Khoản 31 Điều 4 Luật Đấu thầu nêu rõ:

Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất là toàn bộ tài liệu do nhà thầu, nhà đầu tư lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Hiện nay, không có quy định cụ thể về hồ sơ dự thầu gồm những gì mà đây là toàn bộ tài liệu, yêu cầu của một dự án, gói thầu. Thông qua các loại hồ sơ dự thầu nhằm lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Do đó, tùy từng lĩnh vực khác nhau mà có hồ sơ dự thầu khác nhau. Tuy nhiên, dù không có yêu cầu chung cho các hồ sơ dự thầu nhưng thành phần của hồ sơ dự thầu được cho là hợp lệ phải bao gồm các giấy tờ, tài liệu nêu tại điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 63/2014:

- Đơn dự thầu.

- Thỏa thuận liên doanh - nếu có.

- Giấy ủy quyền đơn dự thầu - nếu có.

- Bảo bảo dự thầu.

- Các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm.

- Đề xuất về kỹ thuật, về tài chính và các thành phần khác thuộc hồ sơ dự thầu.

Để biết cụ thể hồ sơ dự thầu của từng gói thầu xây lắp, gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu về dịch vụ tư vấn…, độc giả có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây: Hồ sơ dự thầu gồm những loại giấy tờ gì? Có mấy bản?


2. Hồ sơ dự thầu thế nào được coi là hợp lệ?

Để được coi là hồ sơ hợp lệ, hồ sơ dự thầu phải đáp ứng các điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 63/2014 gồm:

- Có bản gốc hồ sơ dự thầu.

- Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ. Đặc biệt, thời gian thực hiện gói thầu trong đơn phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá trong đơn cũng phải ghi cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ…

- Hiệu lực của hồ sơ dự thầu phải đáp ứng quy định trong hồ sơ mời thầu.

- Có bảo đảm dự thầu với giá trị, thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Riêng trường hợp phải nộp thư bão lãnh thì đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ký tên theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

- Không có tên trong hai/nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách nhà thầu chính.

- Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên ký tên, đóng dấu (nếu có).

- Nhà thầu không đang bị cấm tham gia đấu thầu; đảm bảo tư cách hợp lệ.

Đặc biệt, nếu có hồ sơ dự thầu hợp lệ thì được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.


3. Làm giả hồ sơ trong đấu thầu, bị phạt thế nào?

Làm giả hồ sơ trong đấu thầu là một trong các hành vi gian lận trong đấu thầu. Gian lận là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu được nêu tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, gồm:

- Trình bày sai một cách cố ý/làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu lợi ích hoặc trốn tránh nghĩa vụ.

- Người trực tiếp đánh giá hô sơ dự thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu… cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự sơ tuyển… làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Với những vi phạm tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

3.1 Cấm tham gia hoạt động đấu thầu: Từ 03 - 05 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Đồng thời, những nhà thầu này sẽ bị đưa vào danh sách nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu.

3.2 Xử phạt hành chính: Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định 50/2016, việc lập hồ sơ sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu không trung thực có thể bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Xem thêm: Tổng hợp 39 hành vi vi phạm trong đấu thầu và mức phạt

3.3 Chịu trách nhiệm hình sự

- Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2017 nếu gian lận trong đấu thầu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Gây thiệt hại từ 100 - dưới 300 triệu đồng.

- Gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Bị phạt tù từ 03 - 12 năm: Nếu vì vụ lợi; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc gây thiệt hại từ 300 triệu đồng - 01 tỷ đồng.

- Phạt tù từ 10 - 20 năm: Gây thiệt hại từ 01 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần/toàn bộ tài sản.

Trên đây là quy định về mức phạt khi làm giả hồ sơ dự thầu theo quy định mới nhất. LuatVietnam sẵn sàng hỗ trợ độc giả thông qua tổng đài 1900.6192.

>> Các hành vi gian lận trong đấu thầu là như thế nào?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục