Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, song việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn diễn ra kéo dài. Vậy phải làm gì để khiếu nại, tố cáo được giải quyết nhanh?
Để giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết nhanh cách duy nhất là phải khiếu nại, tố cáo đúng nơi đi theo đúng thẩm quyền giải quyết của pháp luật. Dưới đây là thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
- Chủ tịch UBND cấp xã; Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp huyện:
+ Giải quyết khiếu nại lần đầu với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình;
+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Giám đốc Sở và tương đương:
+ Giải quyết khiếu nại lần đầu: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết khiếu nại lần hai: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh:
+ Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình;
+ Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết;
+ Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình.
Làm gì để khiểu nại, tố cáo được giải quyết nhanh (Ảnh minh họa)
Thẩm quyền giải quyết tố cáo
- Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện…
- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh: Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
Xem thêm:
Cơ quan nào tiếp nhận đơn tố cáo?
8 điểm khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo
Hậu Nguyễn