Trên bất cứ con phố nào cũng dễ dàng thấy những cửa hiệu cầm đồ san sát nhau. Dù duy trì một mức lãi suất cho vay rất cao, nhưng các cửa hiệu này vẫn nườm nượp khách…
Hầu hết các tiệm cầm đồ đều vi phạm lãi suất?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ vào năm 2017, ở Hà Nội hiện nay có khoảng hơn 2000 cửa hiệu cầm đồ. Hầu hết các cửa hiệu cầm đồ này đều công khai mức lãi suất ít nhất 1.000 đồng/triệu/ngày, tức khoảng 3%/tháng, tương đương 36%/năm.
Tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định cửa hiệu cầm đồ phải duy trì tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng rằng, hầu hết các hiệu cầm đồ hiện nay đều có mức lãi suất cầm đồ vượt mức quy định của pháp luật. Nhưng thực tế là các cửa hiệu này vẫn “lách luật” và ngang nhiên tồn tại. Vì ưu điểm cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, các cửa hiệu này vẫn thu hút rất lớn lượng khách hàng là người lao động, học sinh, sinh viên…
Lãi suất cầm đồ hiện nay đang vượt mức quy định (Ảnh minh họa)
Cần quy định chặt mức lãi suất cầm đồ
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định khá chặt chẽ về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề này, như: Chỉ sử dụng nhân viên từ đủ 18 tuổi trở lên và không trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử; Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có…
Tuy nhiên, về vấn đề lãi suất, Nghị định chỉ quy định lãi không được vượt quá tỷ lệ lãi suất do Bộ luật Dân sự quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải quy định mức lãi suất cụ thể, chặt chẽ với các cửa hiệu cầm đồ, tránh tình trạng mập mờ, nhập nhằng trong lãi suất cầm đồ như hiện nay. Nhất là khi không ít cửa hiệu cầm đồ công khai mức lãi suất trá hình theo đúng quy định, nhưng trong thực tế, các cửa hiệu này lại cộng những khoản chi phí “giời ơi” khiến lãi suất không khác gì tín dụng đen.
LuatVietnam