Vay tiền ngân hàng nhưng không trả được do Covid-19, cần làm gì?

Để đảm bảo được lợi ích của mình, người đi vay cần tìm hiểu rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của các tổ chức tín dụng để có thể xin giãn, hoãn nợ đúng quy định.

Sự bùng phát dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong hai năm gần đây.

Điều này khiến hàng nghìn người đang vay tại các ngân hàng, công ty tài chính mất khả năng trả nợ đúng hạn do nguồn thu nhập giảm.

Nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, Nhà nước đã ban hành các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho vay của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, nếu gặp khó khăn về tài chính do dịch Covid-19, người vay có thể đề nghị các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc miễn, giảm lãi, phí nợ.

Đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Theo Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.

- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  • Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận;
  • Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/3/2020;

  • Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021;
  • Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày 07/9/2021.

- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

- Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Lưu ý: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.

khong tra duoc no do covid-19Không trả được nợ do Covid-19, phải làm sao? (Ảnh minh họa)

Đề nghị miễn, giảm lãi, phí

Căn cứ Điều 5 Thông tư 01/2020, sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2021, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với:

- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022;

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.

Trên đây là 2 việc cần làm khi không trả được nợ do Covid-19. Bên cạnh nắm rõ chính sách giảm lãi như trên, người vay cần làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng để được hướng dẫn, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

>> Hướng dẫn doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc do Covid-19
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục