Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập. Trường hợp Công ty TNHH không góp đủ vốn điều lệ xử lý thế nào?
Công ty TNHH không góp đủ vốn điều lệ
Theo khoản 1 Điều 48 Luật Doanh nghiệp mới nhất, vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
Theo đó, khoản 2 Điều này quy định thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.
Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
Trong trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
Công ty TNHH không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Như vậy, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Không góp đủ vốn điều lệ xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
Thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ
Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ được thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ:
https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/auth/Public/LogOn.aspx?ReturnUrl=%2fonline%2fdefault.aspx
- Hồ sơ gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; mẫu I-11 (do người đại diện theo pháp luật ký);
+ Quyết định bằng văn bản về việc giảm vốn điều lệ của Hội đồng thành viên (do Chủ tịch hội đồng thành viên ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty;
+ Bản sao biên bản họp về việc giảm vốn điều lệ của Hội đồng thành viên (có chữ ký của chủ tọa và người ghi biên bản). Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty;
+ Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn điều lệ (đối với trường hợp giảm vốn điều lệ). Đối với công ty có phần vốn sở hữu nước ngoài chiếm trên 50%, báo cáo tài chính phải được xác nhận của kiểm toán độc lập;
+ Bản gốc Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
Lưu ý: Từ ngày 10/10/2018, doanh nghiệp đăng ký giảm vốn điều lệ không cần nộp Báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP.
Xem thêm:
Đăng ký kinh doanh 2019: 12 thay đổi nhất định phải biết
Thủ tục thuế ban đầu đối với doanh nghiệp mới thành lập 2018
Luật Doanh nghiệp: 7 lợi thế khi thành lập doanh nghiệp trong năm 2018
LuatVietnam