Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được khai sinh của một cá nhân thì từ khi sinh ra, cá nhân được quyền khai sinh. Riêng đối với trẻ em thì:
- Nếu được sinh ra mà sống từ 24h trở lên mới chết thì phải được khai sinh
- Nếu sinh ra mà sống dưới 24h thì không phải làm khai sinh trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
Không đăng ký kết hôn làm giấy khai sinh được không? (Ảnh minh họa)
Không đăng ký kết hôn có làm được giấy khai sinh cho con?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nam nữ không đăng ký kết hôn khi đủ điều kiện đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ đối với con cái thì như khi có đăng ký kết hôn.Theo đó, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Nếu không có thể bị phạt.
Nếu cha, mẹ không thể đi đăng ký khai sinh cho con được thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nếu cha mẹ không đăng ký kết hôn thì con vẫn được làm giấy khai sinh. Nhưng lúc này, các cán bộ hộ tịch sẽ đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp trẻ chưa xác định được cha hoặc mẹ.
Bởi theo Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nếu cha mẹ đã đăng ký hết hôn thì phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn. Trong trường hợp chưa đăng ký kết hôn thì phần tên mẹ hoặc cha sẽ bị bỏ trống nếu người đi đăng ký là người còn lại.
Do đó, khi muốn giấy khai sinh của con có đầy đủ thông tin về cha, mẹ thì phải làm thủ tục nhận con theo quy định của pháp luật. Khi đó, cán bộ hộ tịch có thể kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Nguyễn Hương