Không có bằng sư phạm, được mở lớp dạy thêm tại nhà không?

Cá nhân hoặc tổ chức muốn mở lớp dạy thêm, học thêm phải xin giấy phép hoạt động hợp pháp. Vậy người không có bằng sư phạm được mở lớp dạy thêm không?

Yêu cầu với người dạy thêm, tổ chức dạy thêm tại nhà

Trước đây, tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT có một số quy định về yêu cầu đối với người dạy thêm, tổ chức dạy thêm ngoài trường như: Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục, có đủ sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt…

Tuy nhiên, các yêu cầu này đã được Bộ Giáo dục bãi bỏ tại Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT 2019 và chưa có quy định thay thế.

Vì vậy, người không có bằng sư phạm có thể được mở lớp dạy thêm tại nhà, ngoài trường học nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Người không có bằng sư phạm được mở lớp dạy thêm không? (Ảnh minh họa)

Hồ sơ, thủ tục mở lớp dạy thêm tại nhà

Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài trường được quy định tại Điều 12 Thông tư 17. Cụ thể:

- Đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm;

- Danh sách trích ngang người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;

- Đơn xin dạy thêm có dán ảnh của người đăng ký dạy thêm;

- Bản sao hợp lệ giấy tờ xác định trình độ đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;

- Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp cho người tổ chức dạy thêm, học thêm và người đăng ký dạy thêm;

- Bản kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong đó nêu rõ các nội dung về: đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm, phương án tổ chức dạy thêm, học thêm.

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm

Theo Điều 13 Thông tư 17, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dạy thêm, học thêm như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm lập hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định tại điều 12 quy định này; gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong đó:

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông (THPT) hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THPT.

- Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng Giáo dục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, trung học cơ sở (THCS) hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THCS.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Bước 3: Trả lời bằng văn bản về việc xin giấy phép

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc trả lời không đồng ý cho tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm bằng văn bản.

Lưu ý:

- Thời hạn của giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nhiều nhất là 24 tháng kể từ ngày ký; trước khi hết hạn 01 tháng phải tiến hành thủ tục gia hạn (nếu có nhu cầu).

- Thủ tục gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thực hiện như cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

- Thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

- Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm nếu giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm đã hết thời hạn quy định mà chưa hoàn tất thủ tục gia hạn.

- Cấp có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thì có thẩm quyền gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.

(Căn cứ Điều 14 Thông tư 17)

Các trường hợp giáo viên không được dạy thêm

Giáo viên được dạy học tại các cơ sở giáo dục công lập không được dạy thêm trong các trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 17 như sau:

- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Trên đây là giải đáp về: Người không có bằng sư phạm được mở lớp dạy thêm không? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> ​4 quy định về dạy thêm, học thêm giáo viên cần lưu ý
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục