Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tòa án phải xét xử công khai, nhưng trong một số trường hợp, có thể tổ chức xử kín.
Xét xử kín là gì?
Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.
Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của đương sự.
Tòa án được xét xử kín trong một số trường hợp, nhưng phải tuyên án công khai (Ảnh minh họa)
Các trường hợp xét xử kín
Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm “thuần phong mỹ tục” và “bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” vẫn chưa được hướng dẫn, giải thích cụ thể để áp dụng thống nhất.
Trên thực tế, hầu hết các vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…), đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân.
Yêu cầu Tòa xử kín như thế nào?
Nếu vụ án thuộc trường hợp được xét xử kín như nêu trên, đương sự có quyền gửi đơn đến tòa án xét xử vụ án đó để yêu cầu xử kín. Trên cơ sở yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ xem xét, quyết định và khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ ghi rõ hình thức xét xử là công khai hoặc xử kín.
Xem thêm:
4 trường hợp phải hoãn phiên tòa xét xử hình sự