Khi nào người lao động được đình công?

Đình công được quy định là một trong những quyền của người lao động. Nhưng đình công phải tuân theo những điều kiện, trình tự nhất định.

Theo khoản 1 Điều 209 của Bộ luật Lao động mới nhất năm 2012, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Thực tế, đã có nhiều cuộc đình công diễn ra tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào đầu năm 2018, cả nước đã có 314 cuộc đình công và ngừng việc tập thể.

Khi nào người lao động được đình công?

Khoản 2 Điều 209 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Việc đình công chỉ được tiến hành khi:

- Có các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và

- Sau 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được; hoặc

- Sau 03 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Như vậy, không phải bất cứ lúc nào tập thể người lao động cũng được phép đình công mà chỉ được đình công sau khi Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải.

Khi nào người lao động được đình công?

Đình công phải tuân theo những điều kiện, thủ tục nhất định (Ảnh minh họa)


Tiến hành đình công như thế nào?

Khi đáp ứng đủ điều kiện đình công như nêu trên, tập thể người lao động cần tuân thủ các quy định sau đây khi tiến hành đình công:

- Đình công phải do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo.

- Trước khi đình công, Ban Chấp hành công đoàn phải lấy ý kiến của người lao động bằng phiếu hoặc bằng chữ ký.

- Có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án đình công của Ban Chấp hành công đoàn thì ra quyết định đình công bằng văn bản.

- Trước ngày bắt đầu đình công ít nhất 05 ngày làm việc, Ban Chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh và 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.

- Đến ngày đình công, người sử dụng không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.

Căn cứ: Điều 210, Điều 211, Điều 212, Điều 213 Bộ luật Lao động 2012.

Tiền lương của người lao động khi đình công

- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác. Mức lương ngừng việc thực hiện theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác, trừ trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác.

Căn cứ: Điều 218 Bộ luật Lao động 2012.

Lưu ý: Tại Điều 219, Bộ luật Lao động 2012 cấm người lao động đình công dùng bạo lực, hủy hoại máy móc, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; đồng thời, cấm người sử dụng lao động trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục