Khi nào được nhờ người mang thai hộ?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con. Theo quy định pháp luật, khi nào cặp vợ chồng được nhờ người khác mang thai hộ?

Điều kiện nhờ người mang thai hộ

Theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

- Vợ chồng đang không có con chung;

- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Nội dung tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ người mang thai hộ được quy định rõ tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về y tế với những nội dung sau:

+ Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi;

+ Quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ;

+ Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ…

Cũng theo Điều 16 Nghị định này, vợ chồng nhờ mang thai hộ được tư vấn về pháp lý với các nội dung như: Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ngoài ra, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cần được tư vấn về tâm lý như: Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con…

Khi nào được nhờ người mang thai hộ? (Ảnh minh họa)

Điều kiện người được nhờ mang thai hộ

Theo khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau:

- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Lưu ý: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

Ngoài ra, việc mang thai hộ chỉ được thực hiện tại một số cơ sở khám chữa bệnh nhất định. Cụ thể:

Theo Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 98/2016/NĐ-CP), cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép;

- Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.

Xem thêm: 

Vợ vô sinh, chồng nhờ người yêu cũ mang thai hộ được không?

Khắc Niệm

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Bán khóa học phải nộp thuế như thế nào?

Trong những năm gần đây, nhu cầu học tập và nâng cao kỹ năng qua các khóa học ngoài nhà trường đang ngày càng gia tăng. Vậy hoạt động bán khóa học phải nộp thuế như thế nào?

Hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra pháp luật lao động

Nhằm nắm bắt được tình hình thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, Nhà nước đã quy định về việc yêu cầu người sử dụng lao động cần phải tự đối chiếu, đánh giá quá trình thực hiện pháp luật lao động tại chính doanh nghiệp của mình. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tự kiểm tra pháp luật lao động theo đúng quy định.

Có đúng từ 01/01/2025, đi xe trên 125cm3 phải thi lại bằng lái?

Vừa qua, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 mới ban hành đã thay đổi lại phân hạng bằng lái từ 01/01/2025. Do vậy rất nhiều người thắc mắc, khi Luật thay đổi, thay đổi phân hạng bằng lái như vậy thì người đi xe trên 125cm3 phải thi lại bằng lái hay không?