Dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo khi có tài liệu hợp pháp
Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rằng quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định là hành vi bị cấm.
“Tài liệu hợp pháp” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL bao gồm:
- Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường. Cụ thể, đó là những công ty, tổ chức đăng ký hoạt động trong Nhóm ngành Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận, mã số: M - 73 - 732 - 7320 - 73200 ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg với chức năng theo luật định là:
+ Điều tra thị trường tiềm năng, sự chấp nhận, tính liên quan của sản phẩm và thói quen mua sắm của người tiêu dùng cho mục đích xúc tiến bán và phát triển những sản phẩm mới, bao gồm kết quả phân tích thống kê;
+ Điều tra thu thập ý kiến của công chúng về những sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm kết quả phân tích thống kê.
- Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.
Dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo khi có tài liệu hợp pháp (Ảnh: Nguồn Internet)
Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp theo quy định trên.
Tự ý dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo bị phạt đến 100 triệu đồng
Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Bên cạnh đó, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một” mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, chỉ khi đáp ứng các yêu cầu trên thì tổ chức, cá nhân mới được dùng từ “nhất”, “số 1” trong quảng cáo. Các công ty, doanh nghiệp cần nắm chắc điều này để không vi phạm các quy định pháp luật.
Xem thêm:
Có được phép quảng cáo trong thang máy?
Treo biển quảng cáo thế nào để không bị phạt?
Quảng cáo trên tivi: Chiếu quá 5 phút, phạt trăm triệu đồng
Lợi dụng hình ảnh “sao" Việt để quảng cáo, có thể bị phạt tù
Luật Quảng cáo: Tổng hợp những nội dung đáng chú ý nhất 2019
LuatVietnam