Nhiều doanh nghiệp tự ý trừ lương của người lao động về các lỗi như: Đi làm muộn; tự ý nghỉ làm hay không hoàn thành công việc… Điều này có đúng theo quy định của Bộ luật Lao động 2012?
Khi nào doanh nghiệp được trừ lương của người lao động? (Ảnh minh họa)
Trường hợp duy nhất doanh nghiệp được phép trừ lương
Theo Điều 101 của Bộ luật Lao động hiện hành năm 2012, chỉ có 01 trường hợp duy nhất người sử dụng lao động được phép khấu trừ lương của người lao động. Đó là trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.
Mức khấu trừ tiền lương hàng tháng không được quá 30% tiền lương hàng tháng của người lao động, sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập.
Điều 130 của Bộ luật Lao động 2012 cũng chỉ rõ, người lao động sẽ bị khấu trừ nhiều nhất là 03 tháng tiền lương, với các thiệt hại không nghiêm trọng và có giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng...
Tự ý trừ lương người lao động, doanh nghiệp bị phạt đến 15 triệu
Điều 128 của Bộ luật Lao động chỉ rõ, một trong những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động là dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.
Theo đó, việc xử lý kỷ luật lao động chỉ được áp dụng các hình thức: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức; Sa thải như quy định tại Điều 125.
Như vậy, có thể thấy, trường hợp doanh nghiệp trừ lương, phạt tiền người lao động với các lỗi như đi làm muộn, về sớm; không hoàn thành công việc; để xảy ra sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; tự ý nghỉ việc khi chưa được sự đồng ý của doanh nghiệp… cũng đều bị coi là vi phạm theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trong các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10 – 15 triệu đồng (theo điểm b, khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
LuatVietnam