Được cử đi đào tạo, bồi dưỡng sau đại học để nâng cao trình độ, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công việc là nguyện vọng chung của các công chức. Vậy, khi nào công chức được đi học cao học?
Điều kiện học cao học của công chức
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, công chức được cử đi học cao học khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;
- Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu;
- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;
- Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Theo đó, công chức sau khi hoàn thành chương trình đào tạo phải cam kết làm việc tại cơ quan, đơn vị trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Khi nào công chức được đi học cao học? (Ảnh minh họa)
Chế độ của công chức được cử đi học cao học
Công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 37 Nghị định 101/2017/NĐ-CP như sau:
- Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;
- Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;
- Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;
- Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài các quyền lợi được hưởng, công chức được cử đi học cũng cần đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ:
- Công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nếu tự ý bỏ việc, xin thôi việc phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định;
- Thực hiện quy chế đào tạo và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tham gia khóa học;
- Thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
Xem thêm:
Luật Cán bộ, công chức và những nội dung đáng chú ý nhất 2018
LuatVietnam