Khám nghiệm hiện trường là gì? Quy trình khám nghiệm hiện trường thực hiện ra sao?

Khám nghiệm hiện trường là một bước quan trọng trong quá trình điều tra vụ án. Vậy, khám nghiệm hiện trường là gì? Trình tự, thủ tục khám nghiệm hiện trường thế nào?

1. Khám nghiệm hiện trường là gì?

Hiện trường là nơi có thông tin, dấu vết của tội phạm hoặc nghi có liên quan đến tội phạm cần tiến hành khám nghiệm. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện không có quy định giải thích cụ thể thế nào là khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, có thể hiểu khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự.

Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

Điều 201. Khám nghiệm hiện trường

1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

Như vậy, khám nghiệm hiện trường được thực hiện tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm mục đích phát hiện dấu vết tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án.

khám nghiem hien truong
Khám nghiệm hiện trường là một bước quan trọng trong quá trình điều tra vụ án (Ảnh minh họa)

2. Trình tự khám nghiệm hiện trường thực hiện thế nào?

Theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trình tự khám nghiệm hiện trường được thực hiện như sau:

- Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường:

+ Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường.

+ Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

- Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành:

+ Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình;

+ Xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án;

+ Ghi rõ kết quả khám nghiệm vào Biên bản khám nghiệm hiện trường.

Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến, có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm như: Bác sĩ pháp y, kỹ sư cầu đường (trường hợp hiện trường bị sập cầu), giám định viên kỹ thuật hình sự về súng đạn (hiện trường có súng đạn)…

3. Khám nghiệm hiện trường với các vụ tai nạn giao thông thế nào?

Đối với các vụ tai nạn giao thông nói riêng, quá trình khám nghiệm hiện trường được thực hiện theo Điều 9 Thông tư 63/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:

- Trước khi khám nghiệm hiện trường:

+ Tiếp nhận các công việc của bộ phận bảo vệ hiện trường;

+ Xác định phạm vi hiện trường; vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết; nhận định hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn;

+ Xác định thành phần khám nghiệm;

+ Phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia khám nghiệm;

+ Chọn phương pháp khám nghiệm; xác định chiều hướng khám nghiệm phù hợp; xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn để định vị vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết.

+ Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường.

- Thực hiện khám nghiệm hiện trường:

+ Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở hiện trường;

+ Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông;

+ Chụp ảnh hiện trường bao gồm:

  • Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có);
  • Ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ.

Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;

+ Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông: Sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo, thể hiện đầy đủ hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, vòng xuyến… nơi xảy ra tai nạn, phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;

+ Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: Vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học hữu cơ khác.

Trên đây là giải đáp về Khám nghiệm hiện trường. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Biên bản khám nghiệm hiện trường có bắt buộc lập tại nơi xảy ra vụ việc?

Biên bản khám nghiệm hiện trường có bắt buộc lập tại nơi xảy ra vụ việc?

Biên bản khám nghiệm hiện trường có bắt buộc lập tại nơi xảy ra vụ việc?

Biên bản khám nghiệm hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều tra, giúp làm rõ sự việc đã xảy ra, hỗ trợ cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Vậy, Biên bản khám nghiệm hiện trường là gì? Có bắt buộc phải lập tại nơi xảy ra vụ án không?