Hướng dẫn thủ tục tách hộ khẩu cho con riêng

Hiện nay, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, chuyện kết hôn với người có con riêng không còn xa lạ. Nhiều trường hợp có con riêng chưa thành niên, các bên lựa chọn cho con riêng về ở với ông bà, điều này phát sinh nhu cầu tách hộ khẩu cho con.

Có được tách hộ khẩu cho con về ở với ông bà không?

Điều 41 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 13 Luật Cư trú 2006 đều quy định: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú cũng cho phép những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.

Như vậy, pháp luật hoàn toàn cho phép con chưa thành niên có nơi cư trú khác với bố mẹ, không chung hộ khẩu với bố mẹ mà chung hộ khẩu với ông bà.

Hướng dẫn thủ tục tách hộ khẩu cho con riêng

Pháp luật cho phép tách hộ khẩu cho con về ở với ông bà (Ảnh minh họa)

Thủ tục tách hộ khẩu cho con như thế nào?

Căn cứ pháp lý: Điều 27, 28 Luật Cư trú 2006; Điều 6, 7, 8, 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA.

Bước 1: Xin cấp giấy chuyển hộ khẩu

- Hồ sơ xin cấp giấy chuyển hộ khẩu gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Sổ hộ khẩu (hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).

- Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu:

+ Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;

+ Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp giấy chuyển hộ khẩu.

Bước 2: Đăng ký thường trú cho cháu tại nơi đăng ký thường trú của ông bà sau khi đã nhận được giấy chuyển hộ khẩu

Hồ sơ nhập khẩu cho cháu vào hộ khẩu của ông bà như sau:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm);
- Bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về việc có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại và cháu;
- Giấy khai sinh;
- Văn bản ghi ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của UBND cấp xã.

Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú: Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã; Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

>> Luật Cư trú: 8 điểm mới người dân cần biết

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục