Hotgirl Bella dọa giết con trai có bị tước quyền nuôi con?

Clip về hotgirl Bella dọa giết con trai đang khiến cộng đồng mạng hoang mang, phẫn nộ. Nhiều người mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ đứa trẻ khỏi người mẹ bất thường này.

Một đoạn clip dài hơn 02 phút lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua đang khiến cư dân mạng vô cùng bức xúc. Nhân vật chính của đoạn clip này chính là “hot girl Bella” hay còn nổi tiếng với biệt danh khác là “hot girl quỵt tiền”. Trong suốt thời gian quay clip, Bella đã có những lời lẽ tục tĩu và nặng nề mắng chửi con trai mới 06 tháng tuổi của mình. Những từ ngữ như “ăn cháo đá bát”, “khốn nạn”, “con chó”, “sống kiểu chó”, “không có đức”… được Bella sử dụng rất nhiều để mắng chửi con trai. Người mẹ này còn hoang tưởng cho rằng, con trai là sản phẩm đến từ tương lai, “vượt thời gian vào nhà để quậy phá cuộc sống” của mình. Người này thậm chí còn đe dọa sẽ giết con.

Clip cho thấy Bella dọa giết con trai

Trước đó, clip “hot girl” này bế con sơ sinh đi lang thang khắp nơi; thậm chí vừa bế con vừa phì phèo thuốc lá rồi thản nhiên phả khói thuốc vào mặt đứa trẻ, bất chấp những tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe của trẻ nhỏ cũng khiến nhiều người bức xúc.

Sau khi đoạn clip về hot girl Bella dọa giết con trai xuất hiện trên mạng xã hội, đa phần cư dân mạng đều tỏ thái độ lo lắng cho số phận của đứa trẻ. Họ lo ngại rằng: Liệu sống với một người mẹ như thế, đứa bé có phát triển bình thường? Phải chăng đã đến lúc hot girl Bella bị tước quyền nuôi con?

Điều 37 Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Theo đó, mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Trẻ em của Quốc hội năm 2016, trẻ em có quyền được sống; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền được bảo vệ… Điều 6 Luật này cũng quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, xâm hại, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em…

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời hỗ trợ, can thiệp.

Đã đến lúc Bella bị tước quyền nuôi con?

Việc Bella dọa giết con trai, mắng chửi con, không chăm sóc con… là việc làm rất đáng báo động. Hành động này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe, tâm lý của đứa trẻ sau này. Với hàng loạt những hành vi bất thường, có thể thấy Bella đã có hành vi xâm hại trẻ em theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em 2016. Theo đó, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Đối với hành vi xâm hại trẻ em, Điều 50 Luật Trẻ em 2016 quy định cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ trẻ em theo cấp độ can thiệp. Những biện pháp của cấp độ can thiệp cần phải áp dụng ngay là "Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em" (Điểm b Khoản 2 Điều 50) và "Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này" (Điểm c Khoản 2 Điều 50). Như vậy, việc “hotgirl” Bella bị tước quyền nuôi con là hoàn toàn có căn cứ của pháp luật.

Thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thuộc về Chủ tịch UBND xã, phường nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi xâm hại theo quy định tại Điều 52 Luật Trẻ em 2016.

Sau khi Bella bị tước quyền nuôi con, cơ quan chức năng có thể giao cháu bé cho cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế hoặc giao cho cơ sở trợ giúp xã hội.

Để tìm hiểu thêm về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Hiến pháp năm 2013

Luật Trẻ em của Quốc hội, số 102/2016/QH13

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điều kiện kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025

Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về giấy phép, cơ sở hạ tầng và an toàn. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các điều kiện kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp từ 01/01/2025.